Xe nội địa bị ghẻ lạnh!
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), hiện thuế nhập khẩu linh kiện xe tải đang ở mức 24% trong khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 20 tấn trở lên là 10%-20% và dòng xe tải trọng lớn trên 45 tấn chỉ còn 0%. Điều này đã tạo cơ hội cho xe nhập nguyên chiếc, nhất là từ Trung Quốc, ồ ạt về Việt Nam.
Xe nhập nhiều nhờ phi thuế, giá rẻ
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 1-2015, lượng xe tải nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc là 495 chiếc, nhiều gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng chiếm đến 22,7% lượng ô tô tải nhập khẩu từ tất cả thị trường về Việt Nam.
Tuy nhiên, theo phân tích của một cán bộ xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, thuế nhập khẩu đối với xe tải bình đẳng đối với mọi quốc gia chứ không ưu đãi riêng Trung Quốc. “Trong đó, với dòng xe tải trọng thấp thì thuế nhập khẩu còn khá cao, có thể lên tới 20%. Chỉ riêng xe tải trọng lớn mới ưu đãi thuế 0%. Đây cũng là điều hợp lý bởi Bộ Tài chính áp thuế có nguyên nhân từ việc ưu tiên các dòng xe lớn phục vụ sản xuất” - cán bộ này lý giải thêm.
Cán bộ nói trên cũng lưu ý việc thực hiện lộ trình Hiệp định Thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Trung Quốc giai đoạn 2015-2018 có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đã khiến các nhà sản xuất ô tô trong nước phải chấp nhận sự điều chỉnh về thuế suất. Theo đó, các dòng xe nguyên chiếc từ Trung Quốc với bất cứ tải trọng nào cũng sẽ có thuế suất dần được đưa về 0%. Bên cạnh đó, linh - phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc hay các nước khối ASEAN cũng sẽ được điều chỉnh. Như vậy, giá linh kiện từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ khó cạnh tranh do không được ưu đãi về thuế.
Dù vậy, việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình vẫn chưa tác động được đến việc nhập khẩu xe từ Trung Quốc trong thời điểm này mà nguyên nhân chính vẫn là giá xe từ thị trường này rẻ, phù hợp nhu cầu trong nước. Cùng với tín hiệu phục hồi kinh tế thông qua tăng trưởng năm 2014 đạt khá và tăng trưởng quý I/2015 cao nhất trong 5 năm trở lại đây thì nhu cầu sản xuất cũng tăng lên. Do đó, nhu cầu về xe tải tăng. Hơn nữa, dù nhu cầu sản xuất tăng nhưng hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không “trường vốn”, cần quay vòng nhanh nên chưa thể tiếp cận những dòng xe đắt tiền từ các thị trường khác.
Trong nước có thể làm được nhưng…
Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), chỉ ra nguyên nhân dẫn đến số lượng xe tải nhập về tăng đột biến là do các nhà máy lắp ráp trong nước không đáp ứng được nhu cầu thị trường bởi thiếu sự ủng hộ từ nhà nước thông qua tín dụng và thuế.
“Nhà nước chỉ cho vay vốn ngắn hạn mà vốn ngắn hạn sao làm được công nghiệp ô tô, doanh nghiệp lắp ráp không có vốn lưu động. Đáng nói là doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc thì vay được vốn còn doanh nghiệp đầu tư sản xuất thì lại rất khó” - ông Huyên phân tích.
Ngoài ra, theo tính toán của chủ tịch HĐQT Vinaxuki, với thuế nhập khẩu linh kiện như hiện nay, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc mẫu chịu thuế suất 0% sẽ thấp hơn giá xe tương đương sản xuất trong nước khoảng 20%. Còn đối với những mẫu chịu thuế suất nhập khẩu cao hơn thì giá có thể bằng hoặc chênh lệch ít hơn. “Thậm chí, có những mẫu xe có thể sản xuất, lắp ráp trong nước với giá thấp hơn nhưng với điều kiện được ưu đãi về tín dụng, trong khi 3 năm nay, bản thân Vinaxuki đã không được vay vốn” - ông Huyên nói.
Theo VAMI, ngoài bất công về thuế, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước còn phải chịu nhiều loại chi phí như đầu tư dây chuyền, chi phí quản lý, đào tạo nhân công. Giá đầu vào của các linh kiện nội địa hóa cũng cao do số lượng sản xuất nhỏ. “Với các chi phí trên cùng thuế nhập khẩu linh kiện cao thì giá thành sản xuất thêm khoảng 24% với mỗi chủng loại xe” - đại diện VAMI chỉ ra.
Trước các vấn đề đã nêu, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng Bộ Tài chính cần rút ngắn lộ trình giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô bởi theo nguyên tắc, thuế nhập khẩu linh kiện phải thấp hơn thuế nhập xe nguyên chiếc thì mới kích thích được sản xuất.
Chỉ nhập xe trong nước chưa sản xuất được
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây khẳng định trong quý I vừa qua, ô tô tải nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là xe có tải trọng lớn mà trong nước chưa sản xuất, lắp ráp được.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt...) và đề xuất cơ chế chính sách cụ thể, thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo đảm khả thi, ổn định lâu dài, phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập, trình Thủ tướng Chính phủ.
Hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang tích cực thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng. T.Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao