Xem thường an toàn lao động là tội ác!
Vụ sập giàn giáo ở khu công nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) xảy ra ngày 25.3 làm 13 công nhân chết và hàng chục người lao động bị thương khiến người dân trong cả nước đau xót. Một lần nữa cho thấy, công tác an toàn lao động trong các doanh nghiệp hiện nay đang thật sự ở tình trạng "báo động đỏ".
Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng và tường trình của người lao động, trong khi đang làm việc trên giàn giáo, một số công nhân phát hiện giàn giáo rung lắc, xê dịch và có nguy cơ đổ ngã đã bỏ chạy và báo với người có trách nhiệm. Nhưng chỉ huy trưởng công trường đã ra lệnh cho công nhân tiếp tục làm việc mà không hề kiểm tra lại giàn giáo. Và hậu quả đau lòng đã xảy ra sau đó 30 phút.
Theo quy định của pháp luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về công tác an toàn lao động, khi phát hiện có nguy cơ đe dọa đến an toàn lao động, công nhân đang làm việc hoàn toàn có quyền từ chối công việc hoặc rời bỏ công việc, chỗ làm có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và báo ngay với người có trách nhiệm. Do đó, việc hàng chục công nhân đang làm việc trên giàn giáo đã bỏ chạy khỏi khu vực nguy hiểm là hoàn toàn chính đáng.
Việc chỉ huy trưởng công trình không chịu kiểm tra, khắc phục sự cố mà còn ra lệnh cho công nhân tiếp tục làm việc dẫn tới tai nạn lao động nghiêm trọng như ở Formosa là việc làm xem thường tính mạng con người, vi phạm nghiêm trọng luật lao động cũng như an toàn lao động.
Trong thực tế, tôi biết có trường hợp tương tự, người lao động phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đã báo cáo ngay cho người có trách nhiệm nhưng vẫn có chỉ huy trưởng công trường, hoặc kỹ sư kỹ thuật không những không chịu kiểm tra, khắc phục mà còn buộc người lao động tiếp tục làm việc. Thậm chí, họ còn liều lĩnh cam kết nếu tai nạn lao động xảy ra họ sẽ chịu trách nhiệm...
Mỗi năm nước ta xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn lao động khiến hàng ngàn người chết hoặc thương tật suốt đời. Đa số nạn nhân tuổi đời còn rất trẻ và là trụ cột chính trong gia đình. Đây là nỗi nhức nhối của xã hội, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Tôi cho rằng, nên mạnh tay xử lý nghiêm khắc chủ lao động và những người liên quan để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng. Đồng thời, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xem thường toàn lao động, xem thường tính mạng của người lao động vì đó chính là tội ác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo