Thị trường

Xem xét việc cho xuất khẩu đường

Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có công văn đề nghị Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu đường trong năm 2012.

 

Giá đường đang thấp, tồn kho đường nhiều trong lúc sản xuất đường đang vào chính vụ là những lý do mà Hiệp hội Mía đường VN đề nghị Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT xem xét cho phép các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) đường và thị trường nhắm tới là Trung Quốc.

Thu hoạch mía nguyên liệu ở Phụng Hiệp, Hậu Giang.

Mới đây nhất (ngày 23.11.2011), Hiệp hội Mía đường VN đã có công văn phản đối việc Bộ Công Thương không cho XK đường qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.

Theo Hiệp hội này, Bộ Công Thương đã có quy định "khuyến khích XK các mặt hàng nông sản đã qua chế biến qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới" vậy thì mặt hàng đường là đối tượng được khuyến khích XK qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chứ không thể bị cấm.

Cũng theo quy định "mặt hàng đường là mặt hàng thực hiện bình ổn giá và nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan" chứ không phải XK theo hạn ngạch thuế quan, vậy thì cấm việc XK khẩu đường của Bộ là không đúng!

Trước đề nghị của Hiệp hội Mía đường VN, một đại diện của Bộ Công Thương cho biết Bộ sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT kiểm tra lượng đường sản xuất và tồn kho trong nước để cân đối cung- cầu. Sau khi cân đối xong, Bộ mới quyết định cho doanh nghiệp xuất khẩu hay không.

Hiệp hội này cũng cho rằng, để khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, đặc biệt là XK thì việc VN xuất đường cho bất kỳ quốc gia nào trong thời điểm hiện nay là một điều tốt, báo hiệu sự trưởng thành của ngành mía đường VN và là tin vui cho nền sản xuất trong nước.

Hơn nữa, việc nhập lậu đường từ biên giới nhiều năm qua VN vẫn chưa ngăn chặn, kiểm soát được, nhất là vụ đường 2011-2012 đang bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm, sản lượng đường ước đạt trên 1,4 triệu tấn, tăng 20% so với vụ trước và tăng 40% so với vụ 2009-2010. Do vậy, Hiệp hội cho rằng, việc xuất bớt đường thừa nếu có (theo quy luật giá cả) là điều cần khuyến khích.

Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường VN, niên vụ mía đường 2011-2012, tồn kho đường sẽ lớn hơn vụ trước, chưa kể tồn kho đường vụ trước đã có 100 nghìn tấn, cùng với lượng nhập khẩu tối thiểu theo dự kiến là 70 nghìn tấn (chưa kể lượng đường nhập lậu từ Thái Lan) thì đã vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2012, ước chỉ đạt 1,2-1,3 triệu tấn, thậm chí còn thấp hơn.

Việc chưa cho phép DN XK đường là do các bộ ngành lo ngại giá đường trong nước sẽ biến động, chưa kể lâu nay, việc xuất đường sang Trung Quốc vẫn chưa kiểm tra, kiểm soát được một cách chính thức.

Theo Dân Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo