Xét xử 'bầu' Kiên - lời cảnh tỉnh cho các ngân hàng
Bên lề phiên họp Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu quốc hội Hà Nội cho rằng, cần làm rõ bản chất vụ án phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á châu (ACB) để cảnh tỉnh các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
PV: Vụ án “bầu” Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á châu (ACB) đang được đưa ra xét xử là vụ việc điển hình về sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng, với tư cách là đại biểu Quốc hội, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, qua vụ việc này, cơ quan công tố đã trả lời được với công luận: Không có vùng cấm cho tội phạm, dù bất cứ ở lĩnh vực nào. Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý nghiêm, xử lý kiên quyết, đúng quy định của luật pháp và trừng phạt nghiêm khắc những phần tử tham nhũng. Đó là điều mong muốn của dư luận.
Sau vụ án "bầu" Kiên và đồng bọn đã đặt ra một vấn đề, có hiện tượng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Không có quy định nào cấm các ngân hàng nắm giữ cổ phiếu của các ngân hàng khác cũng như không cấm việc các cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác nhau. Nhưng Ngân hàng Nhà nước phải quản lý hiệu quả, vì đây là vấn đề liên quan đến tài chính quốc gia.
PV: Xin bà cho biết việc giám sát sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng của Ngân hàng nhà nước hiện nay như thế nào?
Không phải tất cả các dạng sở hữu chéo đều tiêu cực, nhưng trong trường hợp các ngân hàng thương mại có cổ đông lớn là các doanh nghiệp thì phải có chế tài ngăn chặn hiện tượng các ngân hàng thương mại trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình.
Việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia, vì rất có thể các ngân hàng thương mại sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng. Nếu điều này xảy ra, đây có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao và tạo ra chuỗi sở hữu phức tạp, ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia.
Thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã phát đi những thông điệp, giải pháp tăng cường nền tảng tài chính, ổn định hệ thống ngân hàng, cũng như những rủi ro về sở hữu chéo. Nhưng cơ chế giám sát chưa hiệu quả.
PV: Bà có đề xuất giải pháp gì để tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng?
Sau vụ đại án “Huỳnh Thị Huyền Như”, vụ đại án “Nguyễn Đức Kiên” đang gây nỗi lo cho dư luận về tội phạm ngân hàng. Tôi đề nghị quá trình xét xử cơ quan công tố phải quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Có tiêu cực thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội là phải được tiến hành điều tra, xét xử nghiêm minh, công khai trên tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Qua theo dõi diễn biến hai ngày xét xử, bầu Kiên và luật sư bào chữa không đồng tình với những kết quả điều tra trước đó. Đây là thời điểm cần công bố hết dữ liệu thu được. Vụ án sẽ góp phần cảnh tỉnh các ngân hàng thương mại cổ phần phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt là hoạt động về phát hành cổ phiếu tiền ảo; sở hữu chéo; thâu tóm ngân hàng; vượt trần lãi suất.... Ngân hàng là “mạch máu”, là “bộ não” của nền kinh tế. Về lâu dài, các đối tượng là thành viên HĐQT, ban kiểm soát, ban tổng giám đốc và những người thân có liên quan phải công bố về tỷ lệ sở hữu của mình, dù tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn hay nhỏ; đồng thời phải công bố lợi ích có liên quan để tránh tối đa hiện tượng trục lợi cá nhân hay lợi ích nhóm.
Báo Tin Tức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo