Pháp luật

Xét xử đại án Vinashinlines: Đề nghị tử hình Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm

Mặc dù Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm kháng cáo kêu oan nhưng Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên bản án tử hình đối với 2 bị cáo.

Sáng nay 18/8, HĐXX Toà án Nhân dân cấp cao xét xử đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines) kết thúc phần xét hỏi, và bắt đầu bước vào phần tranh luận. Mở đầu phần tranh luận, đại diện cơ quan công tố tại phiên tòa nên quan điểm về vụ án, theo tin tức trên báo Dân trí. 

Bị cáo Trần Văn Liêm bị cách ly khỏi phòng xử án khi Hội đồng xét xử thẩm vấn Giang Kim Đạt. Ảnh Thanh niên

Kiểm sát viên cao cấp Phạm Minh Yến cho biết, tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, các bị cáo tiếp tục phản cung, nhưng căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, lời khai ban đầu của các bị cáo, cơ quan công tố có cơ sở xác định, các bị cáo đã tham ô số tiền khoảng 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) của Vinashinlines thông qua việc khai thác cho thuê 9 tàu, nhận tiền chênh lệch từ mua 3 tàu theo chỉ đạo của Trần Văn Liêm – cựu TGĐ Vinashinlines để ngoài sổ sách kế toán nhằm đút túi riêng.

Trần Văn Liêm, cựu Tổng Giám đốc Vinashinlines bị cáo buộc hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng, Giang Kim Đạt, cựu quyền trưởng phòng kinh doanh hưởng lợi 255 tỷ đồng, Trần Văn Khương, cựu kế toán trưởng hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát khẳng định với vai trò là Tổng giám đốc Vinashinlines, bị cáo Liêm chịu cách trách nhiệm pháp lý của công ty. Qua lời khai của Đạt tại cơ quan điều tra, thể hiện vai trò chỉ đạo của Liêm đối với vụ án tham ô tài sản nghiêm trọng này, báo Thanh niên đưa tin. 

Trong các bút lục lời khai tại cơ quan điều tra, Liêm cũng khai nhận chỉ đạo Đạt mở các tài khoản để nhận tiền "hoa hồng" từ các hợp đồng mua bán, cho thuê tàu.

Viện Kiểm sát khẳng định bị cáo Liêm nhận thức rõ về các khoản tiền hoa hồng thu được, bản thân bị cáo này cũng nhận tiền từ Đạt, do đó, bản án sơ thẩm quy kết bị cáo tội tham ô tài sản là đủ căn cứ.

 

Đối với bị cáo Đạt, mặc dù kháng cáo kêu oan, liên tục phản cung tại phiên tòa phúc thẩm, nhưng Viện Kiểm sát khẳng định đủ căn cứ kết tội tham ô tài sản với bị cáo này. Bị cáo Đạt là người thực hiện tích cực các hợp đồng mua bán, cho thuê tàu để chiếm hưởng tiền hoa hồng, tiền chênh lệch. 

Viện Kiểm sát cũng nêu rõ, bị cáo Đạt chiếm hưởng phần lớn số tiền trong vụ việc này. Bị cáo có sự chuẩn bị, nói bố đẻ là bị cáo Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để nhận các khoản tiền bất hợp pháp này từ các đối tác nước ngoài.

Viện Kiểm sát cho biết, căn cứ lời khai của bị cáo Liêm, đủ cơ sở để kết luận bị cáo Khương có chiếm hưởng số tiền nêu trên. Dưới sự chỉ đạo của Liêm, bị cáo Khương đã để ngoài sổ sách các số tiền chiếm hưởng được để chi tiêu riêng.

Mặc dù bị cáo Hiển vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, nhưng căn cứ vào lời khai của bị cáo Đạt, Viện Kiểm sát khẳng định tòa án sơ thẩm quy kết bị cáo Hiển tội rửa tiền là có căn cứ. Cụ thể, bị cáo Hiển đã mở nhiều tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ các đối tác nước ngoài chuyển về cho Đạt. Số tiền này Hiển vừa rút đưa cho Đạt, vừa sử dụng để mua nhiều bất động sản và các tài sản có giá trị khác.

Từ những căn cứ nêu trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, y án sơ thẩm.

 

Trước đó, ngày 22/2, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án tử hình đối với các bị cáo Liêm và Đạt, tuyên án chung thân đối với bị cáo Khương cùng về tội tham ô tài sản. Bị cáo Hiển lĩnh 12 năm tù về tội rửa tiền. 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Dân trí, Thanh niên)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo