Pháp luật

Xét xử Phạm Công Danh: Cả buổi sáng chưa đọc xong cáo trạng luận tội

(DNVN) - Vì bản cáo trạng luận tội Phạm Công Danh và đồng phạm quá dài, lên tới 123 trang nên đến hết buổi sáng đại diện Viện kiểm sát vẫn chưa đọc hết.

Sáng nay 20/7, vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục ngày xét xử thứ 2. Vào lúc 8h30, TAND TP. HCM bắt đầu phần tranh luận với việc công bố bảng cáo trạng của đại diện Viện KSND.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Công Danh do sức khỏe yếu nên HĐXX cho phép được ngồi nghe. Sau đó lần lượt các bị cáo cũng được phép ngồi nghe cáo trạng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM, ông Trần Ngọc Quang thực hành quyền công tố tại phiên toà đã công bố bản Cáo trạng của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao dài 123 trang. Tuy nhiên do bản cáo trạng quá dài trang nên cả buổi sáng đại diện VKS vẫn chưa đọc hết. Thậm chí đến khi kết thúc buổi sáng, đại diện VKS mới chỉ đọc được khoảng 1/3 cáo trạng.

Trước đó ngày 19/7, TAND TP. HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh cùng 35 người khác về tội tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các bị cáo này được xác định có hành vi gây thất thoát cho VNCB số tiền  hơn 9.000 tỷ đồng.

Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: Dân Việt.

Theo cáo trạng của VKSNDTC, ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiền thân là ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Sau khi được chính phủ chấp thuận phương án tái cơ cấu và ngân hàng nhà nước chấp thuận phương án nhân sự, vào tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành VNCB. Nhưng thực tế, Danh đã nắm quyền kiểm soát Trust Bank từ tháng 6/2012 bằng việc mua cổ phần (84,92%) của nhóm kiểm soát Trust Bank thời điểm đó.

thời điểm Phạm Công Danh tiếp nhận ngân hàng, VNCB có vốn chủ sở hữu là âm gần 2.855 tỷ đồng. Chỉ sau 2 năm VNCB được điều hành dưới tay Danh, đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB bị âm đến 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là gần 38.256 tỷ đồng.

Việc “đi xuống” của VNCB, theo cáo trạng của VKSND tối cao, là do hàng loạt vi phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm.

Trong đó, rõ nhất là việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Phạm Công Danh khi lập hồ sơ khống để thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỷ đồng VNCB; ký các hợp đồng khống để thuê mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, sau đó lấy 581 tỷ đồng từ VNCB để trả cho các hợp đồng khống này trả lãi cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác.

Sau đó, dù không có lãi năm 2012 tại khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng nhưng Phạm Công Danh vẫn chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn) lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu Tập đoàn này cho ba công ty Thạch Hà, An Lộc và Công ty Minh Quang trị giá 900 tỷ đồng từ nguồn tiền của Ngân hàng VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.

 

Bên cạnh đó, Phạm Công Danh còn rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà T.N.B, gây thiệt hại cho VNCB.

Ngoài ra, Phạm Công Danh và đồng phạm còn bị truy tố vì hàng loạt vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trong đó, vì cần tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống với bà N.T.N.L, nâng khống giá trị các lô đất tại Đà Nẵng làm tài sản đảm bảo để vay VNCB 5.000 tỷ đồng, rút tiền mặt 4.700 tỷ đồng để trả nợ cho nhiều nhóm khác nhau... gây thiệt hại cho VNCB là 2.095 tỷ đồng.

Tổng hợp nhiều sai phạm trên, theo kết luận của cáo trạng, tổng số tiền mà Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án hơn 9.000 tỷ đồng.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo