Pháp luật

Xét xử Phạm Công Danh: Triệu tập Ngân hàng Nhà nước ra tòa

(DNVN) - Trong số 158 cá nhân, tổ chức được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án gây thất thoát 9.000 tỉ đồng, HĐXX đã triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến dự tòa.

Sáng 19/7, TAND TP. HCM mở phiên xử ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng phạm tích cực giúp sức cho ông Danh là dàn lãnh đạo cấp dưới của VNCB gồm Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc); Mai Hữu Khương (33 tuổi, nguyên TV HĐQT, Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn) cùng hơn 30 bị cáo nguyên là cán bộ VNCB, nhân viên các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và công ty đối tác của VNCB.

Trong phần thủ tục phiên tòa thư ký phiên tòa thông báo 36 bị cáo và 45 luật sư tham gia phiên tòa đều có mặt đầy đủ; 98/158 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt.

Đáng chú ý, theo tin trên báo Tuổi Trẻ, trong số 158 cá nhân, tổ chức được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án gây thất thoát 9000 tỷ đồng, HĐXX đã triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến dự tòa.

Theo đó, ông Đào Văn Hiệp, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An đã có mặt tại phiên tòa. Ngoài ra, còn có đại diện của Hội đồng định giá tài sản của các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Gần 50 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho những người liên quan. Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh có 5 người bào chữa. 8 bị cáo bị tạm giam và 28 bị cáo được tại ngoại đều có mặt tại phiên tòa.

Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Qua phần xét căn cước cho thấy, ngoài ông Phạm Công Danh là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh còn có nhiều người nguyên là nhân viên tập đoàn này (trong đó có những người chỉ là bảo vệ, rửa xe, nhân viên bình thường) nhưng được nhận lương để làm giám đốc các doanh nghiệp và trực tiếp ký hồ sơ vay tiền của VNCB, gây thất thoát hơn 2000 tỷ đồng cho ngân hàng này.

Trước khi bắt đầu phiên xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Phạm Công Danh có đủ sức khỏe để dự phiên tòa hay không. Trước đó, sức khỏe của bị cáo bị suy giảm và phải vào bệnh viện cấp cứu.

Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh đã có kiến nghị về vấn đề này nhưng với sự khẳng định của bác sĩ khám cho bị cáo, HĐXX cho rằng bị cáo này vẫn đủ sức khỏe để dự tòa.

Ngoài ra, trước khi phiên xét xử diễn ra, các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cũng gửi kiến nghị cho HĐXX đề nghị xem xét nhiều khía cạnh của vụ án, đánh giá lại hậu quả thiệt hại và vấn đề định giá tài sản đối với khối tài sản của Phạm Công Danh.

Sau khi nhận được các kiến nghị của luật sư, chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Lương Toản, Chánh tòa hình sự, TAND TP. HCM đã có công văn trả lời các luật sư, khẳng định sẽ triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện các hội đồng định giá tài sản ra tòa để làm rõ một số tình tiết theo yêu cầu của luật sư.

 

Theo cáo trạng, tháng 9/2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank (sau này đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB).

Trong giai đoạn này, Trustbank đang bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát NHNN đặt tại đây.

Tuy nhiên, do cần tiền để chi trả lãi ngoài chăm sóc khách hàng, chi trả nợ cho công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh và các doanh nghiệp trong tập đoàn, Danh đã lợi dụng quyền Chủ tịch HĐQT chi phối ở Trustbank và vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn chỉ đạo các cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm.

Khoảng tháng 5/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo các đồng phạm tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking, triển khai thực hiện khống để rút 63,276 tỷ đồng.

Từ giữa năm 2013 đến tháng 4/2014, Phạm Công Danh tiếp tục chỉ đạo các thuộc cấp lập hợp đồng khống về việc thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành và số 816 Sư Vạn Hạnh (TP.HCM) giữa VNCB với công ty Trung Dung và Hương Việt (hai công ty do Danh thành lập và thuê người đứng tên giám đốc) để rút của VNCB 581,6 tỷ đồng.

 

Số tiền trên được chuyển lòng vòng qua tài khoản cá nhân rồi rút ra để trả lãi, chăm sóc khách hàng cho các công ty thuộc Thiên Thanh.

Ngoài ra, cựu Tổng giám đốc Thiên Thanh còn có hàng loạt hành vi sai phạm khi đã chỉ đạo cấp dưới chuyển 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của Trần Ngọc Bích tại VNCB sang tài khoản của Danh và một số cá nhân nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản. Số tiền này được Danh dùng để tất toán các khoản mà bị cáo đã vay trước đó. Hành vi cố ý làm trái đã gây thiệt hại của VNCB 7.037 tỷ đồng.

Về tội vi phạm quy định về cho vay, theo cáo trạng: Từ ngày 28/12/2012 đến 11/3/2014, do cần tiền để sử dụng, Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp, chỉ đạo các cấp dưới ở VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc tập đoàn và 2 pháp nhân khác để xây dựng hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT khống, chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất là tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại của VNCB 2.095 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số thiệt hại mà Phạm Công Danh và các đồng phạm gây ra là hơn 9.000 tỷ đồng. Đây là vụ án gây thiệt hại số tiền lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (trước đó là vụ Huỳnh Thị Huyền Như). Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo sớm đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo