Pháp luật

Xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh vào ngày 27/12

Dự kiến, TAND cấp cao tại TP. HCM sẽ xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng xây dựng - VNCB) vào ngày 27/12.

Được biết, phiên xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ cho ngân hàng xây dựng VNCB sẽ do thẩm phán Đặng Quốc Khởi làm chủ tọa phiên tòa và kéo dài trong nhiều ngày, theo tin tức trên báo Dân trí.

Trước đó, ngày 9/9, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP. HCM tuyên mức án 30 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Danh với 2 tội: vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo Phan Thành Mai (22 năm tù); Mai Hữu Khương (20 năm tù); Hoàng Đình Quyết (19 năm tù) cho cả 2 tội danh nêu trên.

Ngày 27/12 tới, TAND cấp cao tại TPHCM sẽ đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm. Ảnh báo Dân trí.

Ngoài mức án trên, HĐXX cũng tuyên buộc Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng gốc và lãi mà Danh thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.

Ông Trần Qúi Thanh là người được bản án xác định có quan hệ vay mượn với Phạm Công Danh thông qua bà Trần Ngọc Bích và Phạm Thị Trang (Trang phố núi). Theo đó, HĐXX tuyên thu hồi 5.190 tỉ đồng đã được Phạm Công Danh chuyển vào tài khoản của ông Thanh, bởi HĐXX xác định khoản tiền này là tiền do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo mà có.

Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Danh kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm; đề nghị cấp phúc thẩm thu hồi hơn 3.600 tỉ đồng của bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) mà bị cáo đã trả bà Phấn để mua cổ phần và tài sản của nhóm Phú Mỹ nhưng đến nay Danh vẫn chưa nhận được tài sản; 

Phạm Công Danh xin giảm nhẹ hình sự, xem xét lại tội danh vi phạm quy định cho vay vì thực tế không có hậu quả và bị cáo không chỉ đạo để đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội; định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự về Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng)...

Các bị cáo Phan Thành Mai (tổng giám đốc VCNB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) và 20 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự cũng có đơn kháng cáo.

 

Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã nội dung bản cáo trạng, Phạm Công Danh mua lại và tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín, sau đó đổi tên thành VNCB. Khoảng tháng 5/2013, Danh chỉ đạo các thuộc cấp của mình tại VNCB là Phan Thành Mai; Mai Hữu Khương; Hoàng Đình Quyết và nhiều thuộc cấp khác nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỷ đồng từ VNCB mà không báo cáo Tổ giám sát - Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngoài ra, Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) để chuyển 581 tỷ đồng từ VNCB ra ngoài.

Danh còn được xác định đã rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB. Tổng thiệt hại ở các hành vi trên của Phạm Công Danh là hơn 7.000 tỷ đồng.

Ngoài khoản thiệt hại trên, từ 12/2012 đến 3/2014, Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và hai pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất đem thế chấp vay 5.000 tỷ đồng của VNCB. 

Từ nhưng phi vụ này, Danh gây thiệt hại thêm khoảng hơn 2.000 tỷ cho VNCB. Như vậy, chỉ tính riêng trong vụ án này, Danh và các đồng phạm đã gây ra thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho VNCB.

 

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo