Xã hội

Xét xử vụ án Oceanbank: Hà Văn Thắm đề nghị giảm trừ 1.500 tỷ

Vào chiều 6/3, Viện kiểm sát (VKS) và luật sư tham gia xét hỏi Hà Văn Thắm cùng các bị cáo đồng phạm để làm rõ tội danh.

Trong phiên xử chiều 6/3, bị cáo Hà Văn Thắm đề nghị cơ quan tố tụng xem xét giảm trừ liên quan đến khoản tiền chi lãi ngoài 1.500 tỷ đồng liên quan đến tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hà Văn Thắm đề nghị giảm trừ 1.500 tỷ đồng. Ảnh báo Đấu thầu. 

Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cho rằng, trong một số khoản tiền liên quan đến hành vi này, bị cáo đã thực hiện hoàn ứng sau khi đã lấy tiền chăm sóc khách hàng, theo tin tức trên báo Người đưa tin. 

“Tôi đã thực hiện hoàn ứng và số tiền này không liên quan đến thiệt hại”, bị cáo Thắm nói. Nhiều bị cáo trong phần xét hỏi cũng đều trả lời, một số đơn vị doanh nghiệp đã hoàn nộp lại số tiền nhận lãi ngoài hợp đồng của ngân hàng.

Trả lời câu hỏi của VKS, cựu Tổng giám đốc ngân hàng Đại Dương - Nguyễn Xuân Sơn vẫn khẳng định, ngân hàng không thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng trong thời gian bị cáo giữ chức vụ tổng giám đốc.

Cựu tổng giám đốc cho hay, ngân hàng có quy định, quy chế hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh chăm sóc khách hàng. Với tư cách đại diện ngân hàng, ông ta tham gia chương trình phát triển khách hàng và chính sách hỗ trợ kinh doanh.

Luật sư Đào Hữu Đăng – Luật sư bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm yêu cầu Thắm làm rõ về mối quan hệ giữa bị cáo với Phạm Công Danh và nhóm bà Hứa Thị Phấn.

 

Trả lời câu hỏi này, Thắm khai sau khi mua lại ngân hàng Đại Tín của bà Hứa Thị Phấn nhưng phát hiện không có khả năng phát triển ở ngân hàng này do vậy chuyển nhượng lại cho Phạm Công Danh.

Thắm hứa với Phạm Công Danh sẽ giúp đỡ ngân hàng Đại Tín (tiền thân của ngân hàng Xây dựng) trong khuôn khổ luật pháp cho phép, qua đó cho công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Nhưng sau đó, khi gặp vướng mắc về tài sản đảm bảo nên đã đề nghị phong tỏa khoản 500 tỷ đồng đó tại ngân hàng Đại Tín.

Việc đề nghị phong tỏa này diễn ra trước khi OceanBank giải ngân, như một điều kiện để OceanBank tiến hành giải ngân. Phạm Công Danh, đại diện ngân hàng Xây dựng đứng lên đối chất và xuất trình 5 ủy nhiệm chi để rút số tiền 500 tỷ đồng có chữ ký của ông Danh, tuy nhiên ông Danh trả lời chỉ được xem 1 chứng từ và đúng là có chữ ký của ông Danh.

Cũng tại phiên tòa, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (đại diện theo ủy quyền của Oceanbank) cho biết sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, ngân hàng này đã kiện toàn lại bộ máy, tập trung thu hồi công nợ, tích cực triển khai khắc phục hậu quả do vụ án để lại, báo Pháp luật TP. HCM đưa tin.

Bà Ngọc khẳng định việc chuyển đổi chủ sở hữu của Oceanbank là hoàn toàn đúng pháp luật. Toàn bộ cổ phần của Oceanbank chuyển sang thuộc sở hữu của NHNN, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông Oceanbank. Theo bà Ngọc, quyền và nghĩa vụ của khách hàng (trước khi Oceanbank bị mua lại với giá 0 đồng) không bị ảnh hưởng gì.

 

Trong khi đó, đại diện theo ủy quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Hoàng Văn Dũng cho rằng việc NHNN mua lại Oceanbank với giá 0 đồng là quyết định đơn phương của NHNN. Do vậy, PVN tiếp tục bảo lưu quyền và nghĩa vụ của mình.

Về trách nhiệm của các cá nhân trong việc quản lý khoản vốn góp 800 tỉ đồng (được cho là đã mất) của PVN tại Oceanbank, ông Dũng nói: “Những người đại diện phần vốn góp của đơn vị này tại Oceanbank đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Chúng tôi không có cơ sở để phán xét trách nhiệm của họ”.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Người đưa tin, Pháp luật TP. HCM)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo