Xin ý kiến Bộ Chính trị về Luật biểu tình
“Sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình để có hành lang pháp lý, biểu thị ý kiến của người dân cũng là điều hoàn toàn phù hợp. Việc này thể hiện một bước dân chủ trong xã hội” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Sáng 28/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý ý của đại biểu Quốc hội về việc xây dựng Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Trao đổi với phóng viên chiều 28/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm tại kỳ họp này là thời điểm xây dựng Luật Biểu tình.
Theo Bộ trưởng Cường, biểu tình là một quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Nhu cầu thực tiễn đang đòi hỏi điều đó. Có những cuộc biểu tình không phù hợp nhưng cũng có nhiều cuộc biểu tình phù hợp.
“Sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình để có hành lang pháp lý, biểu thị ý kiến của người dân cũng là điều hoàn toàn phù hợp. Việc này thể hiện một bước dân chủ trong xã hội” – Bộ trưởng Cường nói.
Thống kê của ban thư ký kỳ họp Quốc hội cho thấy đã có 23 đại biểu đề xuất đưa việc xây dựng Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này.
Bộ trưởng Tư pháp cho biết, trước đó Đảng đoàn Quốc hội đã có văn bản báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã cho ý kiến về chương trình xây dựng sẽ gồm những gì trong năm 2014-2015. Bây giờ phát sinh thì phải báo cáo lại. Dù chưa biết thời gian thông qua nhưng cá nhân ông Cường cũng thấy cần thiết cố gắng ban hành Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo