Xóa bỏ án tử hình và sự phát triển văn minh của xã hội
Giảm án tử phù hợp với sự đi lên của xã hội
Tiếp theo việc Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ dần xóa bỏ án tử hình và thay vào đó bằng án chung thân vô thời hạn (chung thân suốt đời), nhiều luật sư tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình.
Luật sư Trương Hải Anh (đoàn Luật sư Hải Phòng) bày tỏ quan điểm ủng hộ việc dần xóa bỏ án tử hình.
“Hiện tại Việt Nam đã xóa bỏ khung hình phạt cao nhất là tử hình cho một số tội danh, theo tôi, đây là điều nên làm và phù hợp với sự phát triển đi lên của xã hội. Trước hết phải thấy rằng Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được được thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Việt Nam khóa 10 ngày 21/12/1999, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/7/2000. Sau đó đã có nhiều lần sửa đổi.
Vì sao phải sửa đổi như vậy? Bởi lẽ luật pháp phải phụ thuộc vào tính chất xã hội của quốc gia đó. Trong nhiều năm áp dụng, xã hội có sự đi lên về nhận thức cũng như kinh tế. Vì thế phải sửa đổi cho phù hợp. Thực tế thấy rằng, việc thay đổi án tử hình bằng án chung thân vô thời hạn là vấn đề cần thiết bởi từ đó, tính nhân văn của nhà nước pháp quyền cũng được đề cao.” – Bà Hải Anh nhận định.
Luật sư này lý giải: “Hiện nay trên thế giới, các quốc gia phát triển đã bỏ hoàn toàn án tử hình và áp dụng vào đó là án ngồi tù vĩnh viễn. Việt Nam phát triển luật theo hướng này cho thấy đang đi lên theo con đường phát triển đúng đắn. Chỉ có điều, dựa vào thực tế xã hội mà tiến hành dần dần, sửa đổi dần dần.”
Luật sư Trương Hải Anh đánh giá: “Ví dụ như xã hội năm 2014 chỉ có thể xóa bỏ án tử với một số tội phạm về kinh tế, hiếp dâm… vẫn phải giữ vững hình phạt về tội ác man rợ như giết người. Nhưng sau đó 10 năm, 20 năm, kinh tế, dân trí, giáo dục phát triển thì việc xóa bỏ hoàn toàn là điều có thể làm được.”
Đồng quan điểm với luật sư Hải Anh, luật sư Phạm Quang Hanh (đoàn luật sư Nam Định), luật sư Đào Minh Bình (đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc xóa bỏ án tử hình là điuu nên làm, việc này đang thúc đẩy Việt Nam ngày càng tiệm cận với các quốc gia phát triển.
Tội phạm tham nhũng: Quy trách nhiệm cho quản lý
Tuy nhiên, đặt ra vấn đề những tội phạm tham nhũng lớn, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước, nhưng không bị tử hình. Việc không phải chết liệu có gây lên tâm lý “cứ tham nhũng đi, cùng lắm là ngồi tù” có làm gia tăng loại tội phạm này? Và đã có tham nhũng kinh tế, chắc chắn sẽ có tham nhũng trại giam.
Bà Hải Anh cho rằng: “Vấn đề ở chỗ khâu quản lý, giám sát của nhà nước chưa tốt. Vấn đề giảm tội phạm tham nhũng, phải tùy thuộc vào sự nghiêm khắc của mỗi cá nhân, nhận thức của mỗi cá nhân, và sự chặt chẽ của các cấp ban ngành. Mỗi người phải có tư tưởng chống tham nhũng ngay trong mình. Nếu làm được như vậy, tội phạm sẽ không gia tăng, thậm chí giảm.”
“Và để làm được điều đó, điều quan trọng là vấn đề giáo dục, định hướng nhận thức cho công dân. Đồng thời, cần chú ý một điều rằng án chung thân vô thời hạn không phải nhẹ. Đi tù không sướng chút nào. Có nhiều tội phạm còn mong muốn được chết bằng tử hình hơn là chết già trong tù.” – Luật sư Hải Anh cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo