Phân tích

Xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế ngay khi TPP có hiệu lực

(DNVN) - Các nước thành viên TPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế.

Đó là thông tin được đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại buổi Họp báo chuyên đề nhằm thông tin rộng rãi tới các cơ quan thông tấn, báo chí về những cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực tài chính diễn ra chiều 9/11.

Theo báo cáo của Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 thành viên, TPP trở thành Khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu và khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại thế giới. 

Toàn cảnh buổi họp báo.

Ngày 6/11/2015, các nước TPP đã công bố các văn bản cam kết của các nước. Theo đó, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế. 

Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

Bên cạnh đó, đối với thuế Nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong Hiệp định TPP. Theo đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan đối với một số nhóm mặt hàng cụ thể như: Ô tô, sắt thép, xăng dầu; nhựa và sản phẩm nhựa, hóa chất, giấy, đồ gỗ, máy móc thiết bị; hàng dệt may, giày dép, rượu bia, thịt, gạo, ngô, sữa và các sản phẩm sữa, thực phẩm chế biến từ thịt, thuốc lá, phân bón… 

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

 

Theo đại diện Bộ Tài chính, TPP là một Hiệp định theo mô hình FTA thế hệ mới không chỉ tập trung vào tự do hóa đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa mà còn mở rộng đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, trong đó có các ngành dịch vụ tài chính. 

Các cam kết về dịch vụ tài chính của Hiệp định TPP tạo ra  3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam gồm: Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài; Áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư; Đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định về mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa, về cơ chế bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài, về việc đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng cho các nước. 

Bên cạnh đó, các nước TPP phải đảm bảo thực hiện các quy trình thủ tục cấp phép nhanh chóng và thuận tiện, tuân thủ thời gian phê duyệt hồ sơ cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài không quá 120 ngày. Các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam.

HOÀNG THIÊN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo