Xóa sổ khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Chiều 8/7, các Ủy ban của Quốc hội và nhiều bộ, ngành đã làm việc với tỉnh Đồng Nai để bàn giải pháp chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 nhằm cứu sông Đồng Nai.
(Thanh Niên) KCN Biên Hòa 1 nằm ven sông Đồng Nai được thành lập từ năm 1963, có diện tích 330 ha, là khu công nghiệp được xây dựng đầu tiên của cả nước. Đến nay KCN đã quá già nua, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hiện nay, có 97 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại KCN này, mỗi ngày xả ra hơn 9.000 m3 nước thải. Trong số này, chỉ có 1.100 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, số nước thải còn lại được các DN tự xử lý nhưng không đạt chuẩn rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Bộ TN-MT cho biết chất lượng nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm do chất rắn lơ lửng, vi sinh, đặc trưng là hàm lượng DO, TSS, COD, Fe, E.Coli, Coliform vượt so với tiêu chuẩn cho phép. Ô nhiễm từ khí thải cũng đang báo động đỏ...
Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị vệ tinh cho vùng TP.HCM, phải di dời hàng trăm nhà máy và 26.100 lao động đang làm việc tại đây sẽ gây xáo trộn rất lớn và làm gián đoạn quá trình sản xuất của DN.
Theo tính toán của tỉnh Đồng Nai, để chuyển đổi công năng cần phải có nguồn vốn 14,6 nghìn tỉ đồng. Do việc “xóa sổ” một KCN là chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên chưa có chính sách phù hợp.
Do vậy, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ ngành đều nhất trí phương án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu khi chuyển đổi phải giảm bớt xáo trộn cho DN; KCN Giang Điền là nơi “tái định cư” cho các DN phải di dời, cần phải nâng công suất của hệ thống xử lý nước thải; đầu tư nhà ở xã hội, trường học… cho công nhân.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết sau khi đánh giá thực tế, đầy đủ, lắng nghe từ nhiều phía, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ ngành cùng với UBND tỉnh Đồng Nai sẽ trình Quốc hội, Chính phủ xem xét ưu tiên những cơ chế đặc thù để có phương án chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1.
Kim Cương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo