Xói lở bờ biển Việt Nam: Nguy cơ xâm thực trên diện rộng
Tại Hội thảo tham vấn báo cáo quốc gia về “Đánh giá xói lở bờ biển Việt Nam” diễn ra ngày 17/7, các chuyên gia về môi trường nhận định, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chịu tác động mạnh nhất của hiện tượng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu, gây xói lở bờ biển nghiêm trọng trên toàn dải các tỉnh ven biển.
(Vietnam+) Các chuyên gia dự hội thảo cho rằng cùng với sự gia tăng của bão cả về tần suất lẫn cường độ, diễn biến bất thường về đường đi của các cơn bão và mực nước biển dâng, gây xói lở bờ biển, thì chính các hoạt động của con người như: Chặt phá rừng ngập mặn, khai thác vật liệu (cát, san hô) ven bờ, xây dựng các đập điều tiết nước ở thượng nguồn các con sông cũng là “cơ hội” cho thủy thần “xẻ thịt” bờ biển trong những năm qua.
Hàng nghìn kilômét bờ biển bị “xẻ thịt”
Là đơn vị tư vấn báo cáo quốc gia về xói lở bờ biển Việt Nam, ông Lê Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Hải văn (Tổng cục Biển và Hải Đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hơn 30 năm trở lại đây, tình trạng xói lở bờ biển ở Việt Nam đã diễn ra ngày càng phức tạp trên toàn dải ven biển.
Theo đó, “mức độ xói lở đối với từng khu vực và từng địa phương cũng không ngừng tăng lên, phụ thuộc vào cấu trúc đường bờ, các quá trình động lực và hoạt động của con người,” ông Công nhìn nhận.
Đưa ra bức tranh cụ thể, ông Công cho biết, ở miền Bắc (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình) hiện có 5 đoạn bờ bị xói lở liên tục từ năm 1930 đến nay, trong đó có 2 khu vực bị xói lở nghiêm trọng là Cát Hải (Hải Phòng) và Hải Hậu (Nam Định).
Tương tự, ở khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), quá trình xói lở bờ biển cũng đang diễn ra tại hầu hết các kiểu cấu tạo bờ như: Sỏi cát, bùn sét, bùn, cát…, nhưng nghiêm trọng nhất là bờ cát (chiếm 94% tổng số đoạn bờ bị xói lở).
Đáng lo ngại, “hiện nay, ở khu vực này đã có 121 đoạn bờ biển có công trình chỉnh trị (đê, kè, trồng cây, bồi bằng vật liệu mảnh vụn san hô, trai, ốc) nhưng vẫn tiếp tục bị xói lở,” ông Công trăn trở.
Cụ thể, theo số liệu ông Công đưa ra, tại Thanh Hóa hiện có 18,1 km bờ biển bị xói lở trung bình 15-30m/năm; Nghệ An 45km; Hà Tĩnh 60km; Quảng Bình 50km; Quảng Trị 34km; Thừa Thiên-Huế 30km; Đà Nẵng 16km; Quảng Ngãi 60km; Phú Yên 25km; Ninh Thuận 10km.
Cùng với đó, khu vực miền Nam (từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Kiên Giang), trong vòng 25 năm trở lại đây, hiện tượng này cũng xảy ra trên nhiều đoạn bờ, với tính chất và cường độ khác nhau, trong đó diễn ra mạnh nhất là ở Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Đông Hải (Trà vinh) và một số huyện của tình Cà Mau.
Đứng ở góc độ địa phương, ông Đặng Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Thừa Thiên-Huế thừa nhận, trong những năm qua, tình trạng xói lở bờ biển diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều đoạn bờ biển trên địa bàn.
“Hiện toàn tỉnh đang có 30km đường bờ biển bị xói lở; trong đó 10km đang bị xâm thực nặng, đe dọa nghiêm trọng đến nhà cửa và tính mạng của hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực,” ông Dũng nói.
Cần một chiến lược tổng thể
Nhằm chống xói lở bờ biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng trong ngành môi trường cũng như các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp; trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng nguồn tài chính và kêu gọi trợ giúp từ các tổ chức quốc tế.
Theo ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, việc quản lý và đối phó với xói lở bờ biển là một trong những nhiệm vụ đã được các tổ chức thực hiện trong Chương trình phòng tránh và giả nhẹ thiên tai hàng năm.
Tuy nhiên, “nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai đang còn hạn chế, sự hiểu biết và thực thi pháp luật chưa cao, nguồn lực về tài chính của cộng đồng không đủ để thực hiện theo các quy chuẩn về xây dựng, phòng tránh thiên tai, nên nhiều đoạn bờ ven biển vẫn bị xói lở nghiêm trọng,” ông Sĩ nhìn nhận.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, hệ thống chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế còn nhiều chồng chéo, xung đột và chưa thống nhất đã gây không ít khó khăn trong việc đối phó với hiện tượng xói lở bờ biển trong quản lý rủi ro ven biển ở Việt Nam.
Để tiến hành phòng chống có hiệu quả thiên tai, xói lở bờ biển, theo vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thì ngành môi trường cần tiến hành đồng bộ và toàn diện các giải pháp từ tầm vĩ mô đến vi mô, cả trực tiếp và gián tiếp; các giải pháp phù hợp với từng đoạn bờ, cửa sông cụ thể. Cùng với đó, các địa phương cần nâng cao nhận thức người dân về hậu quả xói lở bờ biển, thiên tai, thực hiện tốt Luật đê điều, bảo vệ môi trường, luật bảo vệ và phát triển rừng, luật tài nguyên nước.
Song song với đó, hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đang hoàn thiện báo cáo quốc gia về xói lở bờ biển tại Việt Nam, trong đó có đề cấp đến những khía cạnh khác nhau của việc quản lý xói lở bờ biển như: Thực trạng, các cơ chế chính sách pháp lý, đánh giá hiệu quả và hạn chế, thách thức trong việc phòng tránh xói lở bờ biển, can thiệp thí điểm tại một số địa phương…
Đứng ở góc độ quốc tế, ông Reynaldo Molina, Ban thư ký COBSEA cho biết, xói lở bờ biển không chỉ đơn giản là do thiên tai, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hành vi của con người đối với khu vực ven biển. “Có thể nói, Việt Nam đang thiếu một chiến lược để phòng chống xói lở bờ biển và cần thiết phải xây dựng một hệ thống chính sách quản lý xói lở bờ biển,” ông Reynaldo Molina đánh giá.
Vì vậy, để chóng xói lở bờ biển, theo ông Reynaldo Molina, Việt Nam cần phải xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác phòng chống, xử lý sạt lở bờ sông, biển giữa các bộ ngành trung ương và địa phương; nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Ngoài ra, “Việt Nam cũng nên thành lập mạng lưới quan trắc, giám sát xói lở định kỳ trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan khoa học trung ương và các đơn vị kỹ thuật địa phương; lập và rà soát quy hoạch như bản đồ xác định nguy cơ sạt lở bờ vùng cửa sông, bờ biển,” ông Reynaldo Molina khuyến nghị./.
Hùng Võ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo