Xử án kinh tế: Nhiều cái sai không đáng!
Trong đợt tập huấn mới đây, Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân Tối cao đã chỉ ra nhiều sai sót của thẩm phán khi giải quyết án kinh doanh thương mại, thường gặp nhất là xác định sai thẩm quyền xét xử, sai tư cách tố tụng, biên bản không rõ ràng…
Một sai sót mà các tòa địa phương hay gặp là chuyện thẩm quyền xét xử. Mới đây, tòa Kinh tế TANDTC đã nêu ra vụ tranh chấp hợp đồng mua bán giữa Công ty Lương thực TP. Hồ Chí Minh với doanh nghiệp tư nhân Trần Hoàng Hải ở Cai Lậy (Tiền Giang) để rút kinh nghiệm chung.
Xác định sai thẩm quyền
Tháng 11/2007, Công ty Lương thực TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng mua của doanh nghiệp tư nhân Trần Hoàng Hải 280.000 kg lúa Jasmin trị giá hơn một tỉ đồng. Thời hạn giao hàng là ngày 31/12/2007 tại thị xã Vĩnh Long. Trong hợp đồng, hai bên thỏa thuận nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ giải quyết tại Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Khi phát sinh tranh chấp, Công ty Lương thực TP. Hồ Chí Minh đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang, nơi có trụ sở của doanh nghiệp tư nhân Trần Hoàng Hải. Tháng 4/2008, Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang đình chỉ việc giải quyết vụ án vì cho rằng hai bên đã thỏa thuận nơi giải quyết tranh chấp là Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, nguyên đơn kháng cáo nhưng bị Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh bác.
Công ty Lương thực TP. Hồ Chí Minh bèn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Tòa này trả lại đơn, đồng thời hướng dẫn phía công ty nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở của bị đơn.
Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân Tối cao nhận xét: Thỏa thuận của các bên về tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chỉ được chấp nhận khi phù hợp với quy định pháp luật. Ở đây, theo Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án này phải được giải quyết tại tòa cấp huyện nên các bên chỉ có thể thỏa thuận giải quyết tại Tòa án Nhân dân quận nơi nguyên đơn đặt trụ sở. Do các bên thỏa thuận về tòa án có thẩm quyền sai luật nên tòa án giải quyết tranh chấp sẽ là Tòa án Nhân dân huyện Cai Lậy, nơi bị đơn có trụ sở.
Xác định sai tư cách tố tụng
Theo Tòa Kinh tế, một sai sót khác khá phổ biến hiện nay của các tòa địa phương là xác định sai tư cách tố tụng của nguyên đơn.
Chẳng hạn vụ tranh chấp hợp đồng mua bán giữa Công ty TNHH T. và doanh nghiệp tư nhân B. ở một quận tại TP. Hồ Chí Minh. Theo hồ sơ, hai bên ký hợp đồng mua bán dây cáp điện trị giá lên đến gần 820 triệu đồng. Công ty T. đã giao đủ hàng nhưng doanh nghiệp tư nhân B. nợ không thanh toán hơn 550 triệu đồng nên công ty khởi kiện.
Tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu đòi nợ của Công ty T., buộc doanh nghiệp tư nhân B. phải trả tiền gốc và lãi phạt quá hạn. Xử phúc thẩm, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng bác kháng cáo của doanh nghiệp tư nhân B., giữ nguyên án sơ thẩm.
Theo Tòa Kinh tế, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm xác định doanh nghiệp tư nhân B. là bị đơn trong vụ án là không đúng mà phải là chủ doanh nghiệp. Bởi lẽ theo khoản 3 Điều 143 Luật doanh nghiệp năm 2005, chủ doanh nghiệp là nguyên đơn, bị đơn hoặc là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài và tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.
Tòa Kinh tế cũng lưu ý là hiện nay, trong các vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng, nhiều tòa cũng có sai sót khi xác định chi nhánh của ngân hàng tại các tỉnh là nguyên đơn. Nguyên đơn trong các vụ tranh chấp này phải là ngân hàng.
Bởi lẽ theo Điều 92 bộ luật dân sự, chi nhánh không phải là pháp nhân mà chỉ là đơn vị phụ thuộc pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hay một phần chức năng của pháp nhân. Như vậy, để giải quyết vụ án đúng luật, ngay từ khâu khởi kiện, tòa phải hướng dẫn đương sự về pháp nhân khởi kiện và việc ủy quyền khởi kiện.
Những lỗi lặt vặt khác
Ngoài ra, quá trình giải quyết án kinh tế còn xuất hiện một số lỗi lặt vặt nhưng hệ quả thì không hề nhỏ là bản án, quyết định bị hủy.
Tháng 4-2008, ông T. thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho Ngân hàng C. - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc để vay 350 triệu đồng. Sau đó, ông không trả nợ nên bị ngân hàng kiện ra TAND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu phải trả gần 400 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Khi hòa giải, hai bên đạt được thỏa thuận nên tòa ra quyết định công nhận. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, Ngân hàng C. đã khiếu nại quyết định nói trên.
Xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, Tòa Kinh tế TAND Tối cao nhận thấy giữa quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự so với hai biên bản hòa giải lập cùng ngày có nội dung không thống nhất.
Biên bản hòa giải thứ nhất không thể hiện việc đương sự thỏa thuận về xử lý tài sản thế chấp và phí phạt quá hạn nhưng có ghi tại kỳ cuối trả nợ, ông T. có trách nhiệm trả nợ 100 triệu đồng nợ gốc, toàn bộ lãi và lãi phát sinh. Biên bản hòa giải thứ hai thể hiện thỏa thuận về nợ gốc và lãi, thời gian trả, có thêm phần xử lý tài sản nhưng không ghi lãi phát sinh. Còn quyết định công nhận sự thỏa thuận có thêm phần phí phạt quá hạn nhưng lại không có khoản tiền lãi…
Một vụ khác có sai sót trong khâu hòa giải mà Tòa Kinh tế đưa ra nhắc nhở là vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty TNHH Công nghiệp và Thương mại A. với Công ty TNHH B. ở Hà Nội.
Trong buổi hòa giải do TAND TP Hà Nội tổ chức, hai bên đã đạt được thỏa thuận với nhau. Thẩm phán đã lập biên bản hòa giải thành ghi đầy đủ nội dung thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, biên bản này chỉ có mỗi chữ ký của thẩm phán, thiếu toàn bộ chữ ký của các bên tham gia hòa giải. Dù vậy, tòa vẫn căn cứ trên biên bản trên để ra quyết định công nhận.
Xác định lỗi dễ gây tranh cãi Một vấn đề rất phức tạp trong án kinh tế là việc phân định mức độ lỗi của các bên đương sự khi hợp đồng kinh tế của họ bị tuyên vô hiệu. Việc xác định lỗi liên quan đến vấn đề bồi thường nên gây rất nhiều tranh cãi. Trong trường hợp lỗi hỗn hợp, có những vụ mỗi cấp tòa xác định khác nhau về mức độ lỗi rồi quy buộc trách nhiệm bồi thường khiến vụ án bị hủy, sửa liên tục, không có điểm dừng. Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG,Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Do thẩm phán! Các quyết định và bản án hay bị hủy, sửa là do việc vận dụng pháp luật của các thẩm phán. Họ nhận thức chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các văn bản pháp luật. Từ đó dẫn đến việc mỗi cấp tòa, mỗi thẩm phán hiểu luật một cách khác nhau. Việc có văn bản hướng dẫn cụ thể là điều kiện đủ nhưng những người giải quyết án hiểu và vận dụng nó như thế nào là điều cần bàn. Theo tôi, các thẩm phán phải tôn trọng nguyên tắc pháp chế. Văn bản hướng dẫn luật nào còn hiệu lực phải được áp dụng, không thể viện lý do tình hình thực tế biến đổi rồi có những quyết định không đúng luật. Trong trường hợp phát hiện văn bản luật đó không còn phù hợp thì nên kiến nghị để sửa. Kiểm sát viên cao cấp NGUYỄN THANH SƠN, Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao Hoàn thiện luật Sự phát triển chung với tốc độ nhanh đã làm phát sinh nhiều quan hệ xã hội-kinh tế mới phức tạp, dẫn tới độ chênh giữa pháp luật kinh doanh thương mại với thực tiễn. Từ đó nảy sinh ra việc cùng một sự kiện, cùng một vấn đề mà có nhiều cách hiểu khác nhau khiến việc giải quyết án giữa các cấp tòa cũng có sự trái ngược. Các chế định pháp luật chưa đủ để điều chỉnh chi tiết, cặn kẽ đối với từng sự kiện pháp lý dẫn đến việc hủy, sửa án nhiều, làm mất ổn định kéo dài. Theo tôi, các cơ quan xây dựng pháp luật nên chú trọng việc xóa bỏ độ chênh giữa luật và thực tiễn như hiện nay. Hệ thống văn bản luật phải đầy đủ, cụ thể, tránh tình trạng thiếu sót và kịp thời điều chỉnh. Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo