Pháp luật

Xử đại án Oceanbank: Phạm Công Danh bất ngờ bệnh nặng

Trong phiên xử hôm qua, Luật sư của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng) đã xin phép HĐXX cho thân chủ được ngồi để tra lời nếu được bởi vì ông Danh đang bị bệnh nặng, suy thận độ 2, suy nhược thần kinh và sức khỏe rất yếu...

Như tin tức đã đưa, ngày 28/8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm lần hai vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), theo tin tức trên báo Nhân Dân.

Tại phiên tòa lần này, có Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Oceanbank) cùng 50 bị cáo khác, trong đó, có ba bị cáo làm đơn xin vắng mặt. Hơn 700 người liên quan vụ án đã được triệu tập. 51 bị cáo bị xét xử về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm diễn ra vào tháng 2-2017, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do một số vấn đề chưa được làm rõ. Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố thêm bốn người, nâng tổng số bị cáo lên 51. Hai bị cáo chính trong vụ án là Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank) bị đề nghị truy tố thêm tội: Tham ô tài sản. Như vậy, ở phiên tòa sơ thẩm lần hai, bị cáo Thắm bị đề nghị truy tố cả bốn tội danh, bị cáo Sơn bị đề nghị truy tố ba tội danh.

Bị cáo Phạm Công Danh được áp giải tới phiên xử.

Đáng chú ý, tại phiên xét xử, Luật sư Phan Trung Hoài - luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng) đã xin phép HĐXX cho bị cáo được ngồi để tra lời nếu được bởi vì ông Danh đang bị bệnh nặng, suy thận độ 2, suy nhược thần kinh và sức khỏe rất yếu, theo tin tức trên báo VnMedia.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Đại Tín tại ngân hàng Xây dựng) đã giúp sức cho Hà Văn Thắm, gây thất thoát cho Oceanbank số tiền 343,5 tỷ đồng. Do đó, hai bị cáo này bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể: đầu năm 2012, Ngân hàng nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém. Do muốn thâu tóm một số Ngân hàng TMCP về Oceanbank, Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) đặt vấn đề chuyển giao Trustbank lại cho Thắm.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản Trustbank, phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên Hà Văn Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng lại Trustbank.

Hà Văn Thắm quen biết Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh qua giới thiệu của Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ Oceanbank. Vì ông Thắm không muốn tiếp nhận Trustbank nên đã gặp Danh để đặt vấn đề và Danh đồng ý mua lại Trustbank từ Thắm.

 

Sau khi tiếp quản Trustbank, Phạm Công Danh làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.

Giữa tháng 12/2012, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn bàn bạc và thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank và thế chấp bằng tài sản của bà Hứa Thị Phấn. Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Trustbank, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Trustbank của nhóm bà Phấn.

Số tiền 500 tỷ đồng Oceanbank cho Phạm Công Danh vay được thống nhất sử dụng pháp nhân để vay tiền là Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung. Hà Văn Thắm đồng ý cho Trung Dung vay (mà bản chất là cho Phạm Công Danh vay) 500 tỷ đồng với các tài sản bảo đảm không đủ điều kiện. Nguyên nhân dẫn đến việc Oceanbank không thu hồi được số tiền vay xuất phát từ các hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng.

Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo và cùng với Nguyễn Văn Hoàn, Phó TGĐ Oceanbank giải quyết cho Phạm Công Danh vay thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản bảo đảm, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục gây thiệt hại cho Oceanbank gần 350 tỷ đồng tiền gốc, chưa tính hơn 200 tỷ đồng tiền lãi quá hạn tính đến thời điểm 21/10/2014.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo Nhân Dân, VnMedia)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo