Xu hướng giảm lãi suất sẽ chưa dừng lại
Nhờ diễn biến lạm phát giảm với mức tăng trong 3 tháng đầu năm nay ở mức thấp nhất kể từ năm 2005 trở lại đây, mặt bằng lãi suất trên thị trường có cơ sở giảm thêm thời gian tới.
Lãi suất chạm đáy mới
Diễn biến nổi bật là trong tuần qua, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng được các NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần lớn điều chỉnh về mức còn thấp hơn mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng tiền đồng. Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng...
Các ngân hàng cũng thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, đưa lãi suất cho vay phổ biến về mức 8%/năm. Theo Ngân hàng Nhà nước: “Một số NHTM còn tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6-7%/năm”.
Một số chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, với các biến động gần đây, mặt bằng lãi suất trên thị trường đang về sát mức đáy của năm 2005 và thậm chí thấp hơn nhiều mức lãi suất phổ biến năm 2007.
Giảm, nhưng vẫn khó cho vay
Các biến động và điều chỉnh đối với mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ghi nhận. Số liệu được cơ quan này phân tích cho thấy, tính đến cuối tháng 3.2014, lãi suất huy động tiền đồng giảm khoảng 0,5-0,8 điểm phần trăm so với đầu năm ở các kỳ hạn ngắn và giảm 0,2-0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dài.
Đáng chú ý theo cơ quan giám sát, cùng với diễn biến lãi suất huy động giảm, chỉ số CPI cuối quý I/2014 chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013, cũng tạo điều kiện giảm lãi suất đầu ra.
“Tình hình trên tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm chi phí tài chính cho DN” - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay có thể giảm thêm chưa hẳn đồng nghĩa với khả năng nguồn vốn đẩy ra thị trường có thể tăng tốc ngay, ít nhất trong một vài tháng tới.
Nhóm các chuyên gia phân tích của chứng khoán Maybank - Kim Eng nhìn nhận, dường như nền kinh tế đang bị kẹt trong một thứ gọi là "bẫy thanh khoản" mà tại đây, trái ngược với lãi suất thấp và thanh khoản dư thừa, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp do các ngân hàng không cho vay được. “Do đó, chúng tôi chờ đợi các giải pháp cụ thể tiếp theo của NHNN” - nhóm phân tích trên cho hay.
Dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng
Mặc dù lãi suất tiền đồng liên tục giảm trong các tháng qua và đang trở về mức đáy của giai đoạn 2005-2006, song lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn không có dấu hiệu chững lại, và thậm chí còn tăng mạnh theo từng tháng. Số liệu được Phó Thống đốc NHNN - ông Nguyễn Đồng Tiến - công bố cho thấy, tính đến giữa tháng 3 vừa qua, huy động vốn toàn hệ thống vẫn đạt được mức tăng 1,92% so với cuối 2013, trong đó huy động vốn tiền đồng tăng mạnh tới 2,23%.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT
Cột tin quảng cáo