Xã hội

Xử lý nghiêm hành vi xâm hại chủ quyền

Chiều 15.11, thảo luận về dự thảo luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi, nhiều ĐB cho rằng đang có sự “lai ghép” giữa dự thảo luật này với bộ luật Hàng hải. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nói: “Dự thảo sửa rất nhiều điểm nho nhỏ nhưng tôi có cảm tưởng nhiều điều khoản từ ngữ na ná luật Hàng hải”.

ĐB Lê Thị Nga: Dự thảo luật đường thủy nội địa còn mang hơi hướng, tư tưởng của bộ luật Hàng hải

ĐB này lấy ví dụ tại điều 35a đưa quy định “kháng nghị đường thủy nội địa” giống như lấy từ “kháng nghị hàng hải” của bộ luật Hàng hải là rối rắm, khó hiểu.  "Bộ luật Hàng hải mang tính quốc tế rất cao vì liên quan đến các công ước quốc tế nên buộc phải dùng một số từ ngữ theo thông lệ quốc tế. Tôi là dân làm tư pháp, nói đến kháng nghị tôi nghĩ ngay đến ông viện kiểm sát. Còn đọc kỹ lại điều này thì thấy bản chất kháng nghị đường thủy nội địa là do ông thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện lập, công bố hoàn cảnh phương tiện tàu biển gặp phải và đã áp dụng các biện pháp để khắc phục hoàn cảnh đó để hạn chế tổn thất xảy ra. Như vậy nói là kháng nghị đường thủy nội địa thì có đúng không. Nếu thế này mai sau sửa luật Giao thông đường bộ lại có thêm “kháng nghị đường bộ” nữa thì không ổn”, ĐB Nga nói.

 
Cũng theo ĐB Lê Thị Nga, việc sửa đổi luật này cần phải đáp ứng được những phát sinh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các vụ chìm tàu Cần Giờ, Dìn Ký, các vụ liên quan đến tàu cánh ngầm…. ĐB này đề xuất phải có số điện thoại để cấp cứu sự cố, có người trực, địa chỉ giải quyết để giảm được thương vong trong các vụ tai nạn.
 
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, cần phải quy định cụ thể về trách nhiệm của “chính chủ” sở hữu phương tiện khi để xảy ra sự cố.
 
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nêu quan điểm: một số phương tiện tham gia giao thông đường thủy gây ra nhiều tai nạn do thường đã qua sử dụng rồi được đưa về VN. Do vậy, ĐB này đề xuất nên có quy định về niên hạn sử dụng, trong đó không cho phép sử dụng tàu cao tốc đã sử dụng ở nước ngoài quá 10 năm; bên cạnh đó cần có một số điện thoại cứu nạn thống nhất trong cả nước như số cứu hỏa, cấp cứu vì môi trường này có nhiều rủi ro.
 
Vừa tạo thuận lợi, vừa quản lý chặt
 
Cũng trong chiều qua, thảo luận về dự thảo luật Xuất nhập cảnh sửa đổi, đa số các đại biểu đề nghị làm rõ thêm quy định về quá cảnh. Hiện, quá cảnh chỉ thực hiện qua đường hàng không nhưng tại các cảng biển, khu vực biên giới cũng xảy ra những tình huống tương tự nhưng luật không điều chỉnh, dẫn đến các phát sinh về quản lý nhà nước. ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) đề nghị cân nhắc quy định việc cấp thị thực thời hạn 5 năm là quá dài, chưa có nước nào trên thế giới thực hiện và sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, mặt khác, luật này phải thể hiện rõ vai trò của địa phương, cơ sở vì đây mới là nơi quản lý sâu sát nhất. Nhiều ĐB cũng bày tỏ lo ngại trong thời gian qua, có tình trạng người nước ngoài vào VN trái với mục đích nhập cảnh như lao động nhập cư, khách du lịch vào buôn bán thu mua nông sản trái phép gây mất an ninh trật tự nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu.
 
Bên cạnh đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, thực tế và phản ánh của nhà đầu tư, khách du lịch nước ngoài cho thấy có nhiều khi họ bị nhũng nhiễu do các thủ tục hành chính. Do vậy, ĐB này đề nghị luật phải bổ sung thêm những hành vi nghiêm cấm để tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài nhưng mặt khác cũng phải xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng hộ chiếu giấy tờ xâm hại đến chủ quyền quốc gia. “Tôi đề nghị phải bổ sung quy định cấm nhũng nhiễu, trục lợi trong quan hệ với người nước ngoài làm thủ tục, sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có yếu tố, hình ảnh xâm hại đến chủ quyền quốc gia”, ĐB nói.
Theo Thanh Niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo