Thị trường

Xử nợ xấu chần chừ... chờ nhà đất ấm lên?

Tỏ ra không hài lòng về cách xử lý nợ xấu thiếu mạnh dạn khó giải quyết triệt để, ĐBQH cho rằng dường như đang có sự trông chờ vào thị trường bất động sản “ấm” lên.

Nợ xấu ngân hàng đang “xấu” tới cỡ nào, có minh bạch được không? Trong một năm tới liệu có giải quyết triệt để không?... là những câu hỏi mà ĐBQH đặt ra trong phiên thảo luận ngày 1/11.

Nợ xấu đang xấu tới cỡ nào?
 
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 2012 đến tháng 8/2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống năm 2012: 4,08% tổng dư nợ, năm 2013: 3,61%, đến tháng 8/2014: 3,9%. Ngoài ra, còn có 316.200 tỷ đồng giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối tháng 9/2014, VAMC đã mua nợ xấu với tổng nợ gốc là 82.800 tỷ đồng từ các TCTD, bán được 1.400 tỷ đồng nợ xấu.
 
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng): Liệu một năm tới tình hình nợ xấu có được giải quyết?
 
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ NHNN thì đến tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012, chủ yếu bằng các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).
 
Ngoài ra, Công ty VAMC đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó đã bán, thu hồi được gần 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có lãi. Tỷ lệ nợ xấu hiện nay theo báo cáo của các tổ chức tín dụng vào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%). So với tỷ lệ nợ 17% được đánh giá vào thời điểm tháng 9/2012 thì tới thời điểm này, tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 5,43%.
 
Tuy vậy, vẫn có những ý kiến đại biểu tỏ ra chưa thật hài lòng với tốc độ xử lý nợ hiện nay.
 
Đọc hết hơn 40 trang báo cáo giám sát về tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (tỉnh Tây Ninh) cho rằng, bản báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa giải trình thuyết phục về khó khăn xử lý nợ xấu, chưa đưa ra đánh giá đầy đủ, minh bạch về xử lý nợ xấu hiện nay.
 
Ông dẫn dụ, ngay như báo cáo nêu “thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu”, nhưng nếu dùng tài chính công để xử lý nợ thì nguồn đó lấy từ đâu? Có được đưa vào dự toán thu chi ngân sách trước đó hay không? Nếu có đưa thì làm sao không sử dụng được? Hay như việc lành mạnh hoá hệ thống TCTD,  như vậy thế nào là lành mạnh hoá?... 
 
ĐB Thân Đức Nam (TP.Đà Nẵng) cũng tỏ thái độ chưa thật hài lòng với cách xử lý nợ xấu vừa qua. Ông cho rằng, dường như cách xử lý này chưa thể hiện được sự mạnh dạn để giải quyết triệt để vấn đề của nợ xấu, mà trông chờ vào thị trường bất động sản “ấm” lên.
 
 “Đây là hệ quả trông chờ làm cho nền kinh tế tắc nghẽn về vốn, sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngân hàng thừa tiền còn doanh nghiệp thì thiếu vốn. Liệu một năm tới đây NHNN có giải quyết được vấn đề nợ xấu?” – ĐB Nam nói.
 
Mua nợ xấu phải bằng tiền thật
 
Tỏ ra thông cảm và chia sẻ với sự “đơn thân độc mã” trong xử lý nợ xấu bấy lâu nay của hệ thống ngân hàng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) nhấn mạnh, lâu nay ngành ngân hàng vẫn “đơn độc” trong xử lý nợ xấu, trong khi đây là vấn đề của cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng ngành ngân hàng.
 
“Cần có cái nhìn công bằng hơn trong việc tham gia xử lý nợ xấu. Muốn “cục máu đông” nợ xấu được xử lý nhanh và triệt để thì không chỉ mỗi NHNN nỗ lực là đủ, mà cần sự “chung tay” của tất cả các bộ, ngành kinh tế khác”- ông nói.
 
Tới tháng 10/2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012
 
Cùng chung thắc mắc này, ĐB Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình) đặt câu hỏi, vì sao nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế nhưng trước nay mới chỉ có ngành ngân hàng đứng ra bươn chải xử lý?
 
Ngoài chuyện “thay đổi nhận thức”, ĐB Phương cũng tỏ ra sốt ruột khi chính sách để xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc. “Nhất thiết phải hoàn thiện pháp lý xử lý nợ xấu do khả năng ngân sách xử lý nợ vô cùng khó khăn. Quốc hội mỗi năm họp 2 kỳ, cái gì bất cập chính sách thì có thể đưa ra xem xét sửa ngay, không nên để kéo dài” – ông nói.
 
Có dịp tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các địa phương, ĐB Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) tỏ ra cảm thông với những chuyện “tai nghe mắt thấy” của ngành ngân hàng. Theo ông, qua giám sát, các ngân hàng phản ánh là “bó tay” khi có những món nợ thế chấp 5-7 năm nay ngân hàng không bán nổi do thiếu sự hợp tác của con nợ.
 
Nợ xấu là sản phẩm của thị trường thì phải tạo điều kiện để thị trường giải quyết. Phải tháo gỡ ngay điểm nghẽn pháp lý về tài sản thế chấp cho ngân hàng thì mới có thể đẩy nhanh xử lý nợ xấu.
 
“Có người cứ nói xử lý nợ xấu chỗ này làm nhanh, chỗ kia làm chậm nhưng với tình trạng thiếu hệ thống pháp lý như hiện nay, chúng ta cứ hối thúc ngân hàng làm e rằng rất khó. Phải tháo gỡ ngay cơ chế thị trường và cả những thủ tục ngoài thị trường cho ngành ngân hàng” – vị Phó trưởng đoàn ĐB TP.Hồ Chí Minh quả quyết.
 
Dẫn lại ý kiến của ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (tỉnh Hưng Yên) phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 31/10, ĐB Trịnh Ngọc Phương nhấn mạnh, xử lý nợ xấu không đơn thuần là mua vào hay bán ra, hoặc là đẩy nợ xấu qua vấn đề khác mà phải làm sao để tài sản hình thành từ vốn vay đem lại hiệu quả về xã hội.
 
Với vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu, các ĐBQH đều thống nhất hiện tại là thời điểm chín muồi để triển khai phát triển thị trường mua bán nợ phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mua nợ trên giấy thông qua trái phiếu đặc biệt của VAMC sang mua nợ theo giá thị trường.
 
“Mua nợ xấu cũng phải bằng tiền tươi, tiền thật chứ không thể bằng ... giấy. Đồng thời, gắn giải pháp xử lý nợ xấu với các vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo từ đó làm rõ vấn đề nợ ảo, vốn ảo ....”- ĐB Phươg nói.
 
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo