Xử phạt môi trường như khuyến khích doanh nghiệp vi phạm
Nửa vời
Đây là quan điểm của bà Nguyễn Hòang Phượng chia sẻ tại một buổi thảo luận liên quan đến chủ đề “chế tài xử lý vi phạm môi trường ở Việt Nam: Nhận diện bất cập và đề xuất giải pháp”, diễn ra những ngày cuối năm 2014 vừa qua.
Lấy dẫn chứng từ hai vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng được phát hiện gần đây nhất là Nicotex Thanh Hóa và Hào Dương ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cuối cùng cả hai vụ việc này đều thoát xử lý hình sự, bà Phượng cho rằng đây là điển hình cho thấy những bất cập trong chế tài xử lý các vi phạm môi trường.
Nicotex Thanh Hóa được xác định có 10 lỗi vi phạm với hành vi chôn lấp hóa chất độc hại ngay trong khuôn viên sản xuất của công ty, còn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc da, chế biến da đại gia súc Hào Dương cũng từng 10 lần bị xử phạt vi phạm môi trường.
Việc không đủ căn cứ để khởi tố hình sự còn cho thấy chế tài hình sự dường như đang đứng ngoài cuộc chiến với ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính với các vi phạm này, rõ ràng tính hiệu quả của công tác phòng, chống vi phạm môi trường chỉ đạt kết quả “nửa với”, bà Phượng- chuyên gia đến từ Trung tâm Con người và Thiên nhiên- PanNature nói.
Các chuyên gia không có ý định hình sự hóa mọi hành vi vi phạm môi trường. Nhận xét xử phạt theo kiểu nửa vời được đưa ra dựa trên thực tế, việc giám sát các quyết định xử phạt hành chính ở ta là chưa nghiêm.
Nói cách khác, ta vẫn phạt theo kiểu đóng tiền chứ không phải là yêu cầu khắc phục hậu quả. Vì thế, việc xử phạt vẫn chưa “đánh trúng vào nguyên nhân chính dẫn đến hành vi vi phạm”. Đó là lợi nhuận có được từ vi phạm.
Dẫn chứng rõ nhất cho thấy sự khác biệt giữa việc đóng tiền và khắc phục hậu quả là vụ Vedan xảy ra cách đây chưa lâu. Trong khi tiền phạt vi phạm hành chính chỉ hơn 267 triệu VND, tổng số tiền khắc phục hậu quả lên đến gần 796 tỷ VND. Ai cũng tính được số tiền Vedan phải chi để khắc phục hậu quả cao hơn nhiều so với số tiền xử phạt hành chính .
Con số buồn
Nhìn nhận tình trạng ô nhiễm môi trường với thực tế xét xử tội phạm môi trường còn thấy ý kiến nửa vời vẫn chưa phải từ ngữ mạnh mẽ nhất biểu đạt thực trạng quản lý đáng buồn trong lĩnh vực này.
Trong suốt “lịch sử” 10 năm qua, tòa án chưa xét xử vụ gây ô nhiễm không khí nào. Con số bằng không này liệu có phản ánh thực trạng không khí ở Việt Nam là rất trong lành, nhất là khu vực dân cư sống gần các nhà máy, xí nghiệp “sản xuất” ra khói, bụi.
Ai có dịp đi qua địa phận xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, nơi có trụ sở nhà máy xi măng nổi tiếng Bút Sơn, sẽ cảm nhận môi trường xung quanh bụi bậm thế nào. Có lẽ bạn đọc cũng dễ dàng đưa ra rất nhiều ví dụ về không khí nơi họ sinh sống bị vẩn đục.
Ô nhiễm đất cũng không ít hơn ô nhiễm ở các lĩnh vực khác, nhưng suốt 10 năm qua cũng chỉ một vụ vi phạm phải ra trước công đường. 17 vụ ô nhiễm nước phải hầu tòa có lẽ là con số khả thi nhất.
Nhưng so với nguồn nước trên khắp cả nước đang bị đầu độc, vẫn là sự khiếm tốn mà các chuyên gia môi trường cảm thấy ngứa ngáy.
Nói như thế không có nghĩa cơ quan thực thi pháp luật không mạnh tay điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến môi trường. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Môi trường, bảy năm qua từ 2006- 2013, cơ quan này đã phát hiện hơn 43 nghìn vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm. Chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 1.023 vụ, 1895 đối tượng.
Đây là nỗ lực không nhỏ của mũi xung kích trên mặt trận ô nhiễm, phá hủy tài nguyên và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng số vụ xử lý hình sự chỉ chiếm gần 2% tổng số vụ vi phạm lại có vẻ chưa đủ để ngăn chặn các sự việc tái diễn.
Mổ xẻ sâu hơn, tội phạm về động vật hoang dã và hủy hoại rừng chiếm đến 95% số vụ xét xử của tòa án các cấp cũng tạo ra cảm giác cán cân xử lý các hành vi vi phạm vẫn chưa công bằng.
Để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm môi trường, theo các chuyên gia, nằm ở các giải pháp pháp lý.
TS. Vũ Thị Duyên Thủy, đến từ trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ tại buổi tọa đàm Nhịp cầu báo chí số 10 về giải pháp cho xử lý vi phạm môi trường, cho rằng ngay chính các doanh nghiệp cũng còn lúng túng trong chuyên môn. Chính vì thế cần bổ xung quy định về cơ chế hỗ trợ thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Ngoài ra với thực trạng ô nhiễm môi trường “phong phú” như hiện nay, cần bổ sung thêm một số tội danh mới như tội phạm về vũ khí sinh học, tội gây tiếng ồn hay độ rung vượt tiêu chuẩn cho phép….
Quan điểm của độc giả về thực trạng xử lý vi phạm môi trường như thế nào? Hãy chia xẻ với DNVN
End of content
Không có tin nào tiếp theo