Xử phạt Vinacomin
Theo thông tin trên báo chí, sự cố rò rỉ hóa chất ra môi trường từ Nhà máy alumin Tân Rai (Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) hồi tháng 7/2011 đã làm cá nuôi của người dân bị chết, nước ao hồ cũng không thể dùng cho sinh hoạt và tưới cây…
Vinacomin: Mức độ rò rỉ cực nhỏ
Ngày 22/9, ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tỏ ra khá bức xúc trước thông tin trên và cho biết những phản ánh đó hoàn toàn chưa chính xác về mức độ của vấn đề. Theo ông Hòa, Vinacomin đang cử cán bộ vào Lâm Đồng xác minh rõ sự việc.
“Thực ra, rò rỉ xút đã được giải quyết dứt điểm xong từ lâu. Mức độ rò rỉ xút cực kỳ nhỏ, không gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước. Tại thời điểm xảy ra sự cố, bản thân tôi trực tiếp chỉ đạo giải quyết, thậm chí tôi ở đó suốt thời gian dài mà có thấy vấn đề gì đâu. Chúng tôi sẽ kiến nghị với một số báo thông tin lại cho chính xác” - ông Hòa khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm - Ti tan (Vinacomin), cũng cho biết việc rò rỉ xút là do một số bao đựng xút không sạch, công nhân sơ suất trong khâu bảo quản, che đậy nên khi có mưa, nước mưa thấm vào làm tan chảy xút rỉ ra ngoài.
Đây là chất xúc tác dùng để hòa tan quặng, trong quá trình xử lý, nếu độ pH nhỏ hơn chín thì sẽ không tác động nguy hại đến môi trường. “Việc này là lỗi sơ suất của công nhân và đã được Vinacomin xử lý ngay sau khi phát hiện rò rỉ cách đây đã lâu” - ông Liêm nói.
Tỉnh Lâm Đồng: Xử phạt, buộc khắc phục sự cố
Trong một diễn biến khác, ngày 15/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có công văn thống nhất với kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này, yêu cầu ban quản lý Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng thực hiện khắc phục các sự cố về môi trường.
Nước từ dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) chảy ra môi trường với bọt trắng xóa. Ảnh: TUỔI TRẺ
Theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, Ban quản lý dự án đã tập kết 60 tấn than đá, 18.000 tấn mầm Hydrat, dầu, vôi sống, xút, hóa chất…
Trong quá trình tập kết đã không che đậy, không thu gom và quản lý chặt chẽ khiến một lượng hóa chất thấm xuống đất, trôi theo dòng nước ra hệ thống thoát nước chung của nhà máy alumin, tiếp đó dẫn ra môi trường bên ngoài. Do đó mà nồng độ pH đến 10,53, vượt quá quy định cho phép (mức 5,5-9), vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Vì vậy, sở này đã đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc xử lý ban quản lý dự án. Cụ thể là xử phạt hành chính và biện pháp khác như khắc phục sự cố sạt lở gạch, chống ăn mòn gạch tường bao xung quanh, chống thẩm thấu hóa chất ra bên ngoài; thu gom bao bì đựng xút, rác thải nguy hại, rác thải khác để xử lý đúng quy định, không để nước mưa chảy tràn vào khu vực để hóa chất.
Ban quản lý dự án cũng phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, đo đạc, phân tích các thông số về môi trường của các nguồn nước trong khu vực, khi phát hiện vượt chuẩn quy định thì phải báo cáo ngay cho tỉnh để xử lý. Ngoài ra cũng phải đăng ký chủ nguồn thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11.
Kế hoạch kiểm tra có thể thay đổi Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về vụ việc này. Nhưng với những thông tin ban đầu có được, chúng tôi sẽ báo cáo ngay với cấp lãnh đạo có thẩm quyền. Việc quản lý hóa chất mà để xảy ra sự cố như vậy là đáng tiếc. Lỗi là do bản thân chủ dự án. Sau khi sự việc xảy ra, thanh tra của địa phương cũng đã vào cuộc ngay. Tuy nhiên, cần xác định cụ thể lượng hóa chất để thất thoát, rò rỉ ra môi trường là bao nhiêu, lượng tiếp nhận như thế nào, thiệt hại ra sao… Định kỳ chúng tôi vẫn vào kiểm tra ở dự án này và kế hoạch đợt kiểm tra tới là vào tháng 11. Nhưng với sự cố như thế, có thể kế hoạch sẽ thay đổi. Ông MAI THẾ TOẢN, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ TN&MT Không thể đùa với bauxite Tới mùa khô, bùn chứa xút ở các hồ ao bị ô nhiễm của người dân có thể khô đi và thành bụi bay. Những bệnh tật do bùn khô giàu xút là khá nhiều. Người hít phải bụi này có thể bị viêm phổi, bụi bay vào mắt có thể gây đau, thậm chí gây mù mắt. Nếu vụ ô nhiễm này liên quan đến nước từ sản xuất alumin thì còn có cả phóng xạ hoặc kim loại nặng khác. Sự tác động đến sức khỏe của con người còn kinh khủng hơn nữa. Với sự cố này, cơ quan môi trường của tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra công trình bauxite Tân Rai. Nhưng nếu những tồn tại chưa được giải quyết rốt ráo, theo tôi cần có đoàn kiểm tra, trong đó chủ trì là Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc. Khi nhà máy chưa hoạt động chính thức đã có sự cố. Vậy sau này nhà máy sản xuất hàng triệu tấn alumin thì sao? Rồi vấn đề bùn đỏ, kim loại nặng, phóng xạ trong bùn đỏ sẽ được xử lý thế nào? Là người tham gia phản biện về môi trường đối với dự án bauxite ở Tây Nguyên, tôi cho rằng dự án này phải thực hiện rất cẩn trọng, không thể chỉ vì lợi nhuận, nhất là trong giai đoạn thử nghiệm này. PGS-TS NGUYỄN ĐÌNH HÒE, Trưởng ban Phản biện xã hội của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam |
Theo PL TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo