Pháp luật

Xử phúc thẩm Phạm Công Danh: Chủ tọa xét hỏi các bị cáo

Ngày 27/12, phiên tòa kết thúc với phần kiểm tra căn cước các bị cáo kháng cáo trong đại án kinh tế tại VNCB. Theo đúng trình tự tố tụng, hôm nay phiên tòa sẽ bước vào phần xét hỏi.

Phiên tòa phúc thẩm đại án kinh tế tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) do Phạm Công Danh làm chủ mưu gây thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB bước sang ngày làm việc thứ hai. Ngày đầu tiên khai mạc, phiên tòa chủ yếu làm thủ tục. Trong phần làm thủ tục, cho biết có 25/36 bị cáo kháng cáo. 27 tổ chức, cá nhân tham gia tranh tụng tại tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo, theo tin tức trên báo VOV.

Phạm Công Danh tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh PLO.

Ngoài ra, tòa phúc thẩm cũng xem xét kháng cáo của bà Hứa Thị Phấn – đại diện nhóm Phú Mỹ - từng bán Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh và ông Nguyễn Việt Hà – TGĐ Quỹ Lộc Việt. Cả hai người này kháng cáo nhưng vắng mặt tại tòa và ủy quyền lại cho luật sư. Đại diện nhóm Trần Ngọc Bích – nhóm gửi tiền tại Ngân hàng VNCB cũng có đơn kháng cáo.

Hôm qua, Phiên tòa kết thúc với phần kiểm tra căn cước các bị cáo kháng cáo trong đại án kinh tế tại VNCB. Theo đúng trình tự tố tụng, hôm nay phiên tòa sẽ bước vào phần xét hỏi.  Dự kiến phiên tòa kéo dài từ ngày 27/12 đến ngày 25/1/2017.

Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, ngay sau khi các thủ tục khai mạc phiên tòa hoàn tất, Bị cáo Phạm Công Danh đã xin được phát biểu. Sau đó bị cáo “tha thiết đề nghị” rằng phiên tòa này cần ông Trần Quí Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát có mặt.

Theo bị cáo Danh, trong mối quan hệ mượn tiền thì mình đã làm việc trực tiếp với ông Thanh chứ không phải bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh). Ngoài ra ông Danh cũng đề nghị triệu tập đại diện công ty Phương Trang tới tòa.

Trong khi đó luật sư Phan Trung Hoài – người bảo vệ quyền lợi cho ông Danh cho rằng sự có mặt của bà Phạm Thị Trang (Trang “Phố núi”) là “vô cùng quan trọng”.

 

Ngoài ra, luật sư Trần Minh Hải – cùng bảo vệ quyền lợi cho ông Danh, đề nghị tòa cho phép gọi nhóm Trần Ngọc Bích là “nhóm Dr. Thanh” hoặc “Tân Hiệp Phát”.

Đồng thời luật sư Lưu Văn Tám – người bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn, đề nghị triệu tập ông Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương để làm rõ mối quan hệ giữa thân chủ mình với ông Danh và ông Thắm.

Cũng trong phần này luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên – người bảo vệ quyền lợi cho nhóm Trần Ngọc Bích, đề nghị HĐXX triệu tập Công ty TNHH Ernst & Young (một công ty kiểm toán) và cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước để làm rõ việc gửi tiền.

Sau khi hội ý, đại diện VKS cho rằng ông Thanh đã có đơn xin vắng mặt và ủy quyền cho người khác thay mình tham dự phiên tòa, trong khi bà Trang cũng có đơn xin vắng mặt có xác nhận của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ). Đối với các cá nhân khác, VKS cho biết trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết Tòa sẽ triệu tập.

Về việc gọi tên “nhóm Dr. Thanh; Tân Hiệp Phát”, luật sư Uyên không đồng tình và cho rằng đây là mối quan hệ cá nhân nên việc gọi tên như trên sẽ dẫn đến hiểu nhầm.

 

Trước đó,  ngày 9/9, TAND TP.HCM đã tuyên các mức án trong đại án Phạm Công Danh (bị cáo Danh nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP xây dựng VN  - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh - Tập đoàn Thiên Thanh) và 35 đồng phạm .

Theo đó bị cáo Phạm Công Danh 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng - Tổng hợp hình phạt bị cáo Danh phải chịu là 30 năm tù (theo quy định tù có thời hạn không quá 30 năm tù).

Cùng tội danh trên, tòa tuyên phạt các bị cáo Phan Thành Mai 22 năm tù, bị cáo Mai Hữu Khương 20 năm tù, bị cáo Hoàng Đình Quyết 19 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ án treo tới 16 năm tù. Về phần dân sự, HĐXX buộc Danh phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại mà Danh cùng đồng phạm đã gây ra. 

Nên đọc


Dã Qùy (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo