Xã hội

Xuân về, nhớ mãi Vị tướng Nhân dân

Mùa Xuân này, vị tướng Nhân dân - vị tướng huyền thoại của Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mãi mãi đi xa trong ngập tràn nỗi tiếc thương vô hạn của triệu triệu trái tim đồng bào, bầu bạn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Bác Hồ ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của hàng triệu triệu đồng bào, bè bạn. Ảnh: Đức Thanh

Xuân về mọi người hồ hởi chúc nhau chén rượu nồng trong tâm tưởng thương nhớ, nuối tiếc và cùng nhau ước hẹn học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, cũng như của vị tướng huyền thoại một đời vì nước, vì dân.

Xuân này, hễ là người Việt Nam, bất kể già trẻ, gái trai, sống ở nông thôn hay thị thành hoặc đang ở nơi xứ người; bất kể là doanh nhân hay chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo… chắc chắn không ít người dành ưu tiên hàng đầu trong câu chuyện của mình nói về hai lần ra đi của hai con người được hết thảy người Việt Nam tôn vinh là huyền thoại, là Thánh khi từ giã cõi đời.
 
Bốn mươi lăm năm trước, đúng vào ngày Quốc khánh của nước nhà do chính Người và Đảng ta khai sinh ra nước Việt Nam mới - ngày 2/9/1969, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi. Một trái tim vĩ đại ngừng đập lúc 9 giờ 47 phút, để lại cho đồng bào, đồng chí… “Muôn vàn tình thân yêu”. Nhà thơ Tố Hữu đã gọi đó là thời điểm “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Hơn bốn thập kỷ sau, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn ngày 4/10/2013, lúc 18 giờ 9 phút nhằm ngày Đại an 30 tháng Tám năm Quý Tỵ để theo chân Bác về thế giới người hiền.
 
Đại thi hào Nguyễn Du nói: “Thác là thể phách, sống là tinh anh”. Cả hai Thầy, Trò (viết hoa) hẹn nhau cùng lên đường trong cuộc trường chinh đúng vào mùa Thu. Mùa Thu của Trời Đất, mùa Thu của Cách mạng Tháng Tám, mùa Thu mà một lần, Cụ Hồ dặn dò người học trò Võ Nguyên Giáp với ý chí sắt đá: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập”. Lịch sử thật khéo xếp đặt, lịch sử cũng hết sức công bằng.
 
Mùa Xuân năm 1941 của thế kỷ trước, tại rừng già biên giới Cao Bằng “rừng trắng hoa mơ”, Bác Hồ sau 30 năm bôn ba khắp 28 quốc gia để tìm đường cứu nước, cứu dân, Người trở về đất Mẹ với cử chỉ đầu tiên, hiếm thấy là hôn lên nắm đất Tổ quốc trong lệ rơi. Chưa đầy 5 năm sau, chính Người và các vị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp - những người được cả nước trìu mến gọi là khai quốc công thần đã cùng 5.000 đảng viên làm nên cuộc cách mạng công nông long trời lở đất của năm 1945 đã đi vào lịch sử hiển hách của dân tộc như một bản tráng ca bất hủ.
 
Lịch sử thời hiện đại của Việt Nam trong thế kỷ XX xuyên thế kỷ XXI mãi mãi ghi đậm Võ Đại tướng, một nhà giáo dạy sử ở Trường Thăng Long trong lòng Hà Nội thời nước nhà còn lầm than, được Bác Hồ giao trọng trách thành lập đội quân cách mạng mang tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chỉ với 34 người, trong đó 29 người là dân tộc thiểu số. Đội quân nhỏ bé này đã nhanh chóng trở thành đội quân bách chiến bách thắng- một quân đội làm nên kỳ tích đánh thắng hai đế quốc to ngay trong thế kỷ XX lịch sử vốn đầy biến động và sống động.
 
Lạ kỳ thay, vị chỉ huy vốn chưa qua một ngày được đào tạo binh đao, gươm giáo, súng đạn còn xa lạ, nhưng khi làm lễ tuyên thệ với những lời thề sắt son đúng lời dặn dò của Bác Hồ: “Dĩ công vi thượng” chỉ đội mũ phớt, vai đeo xà cột bằng vải thổ cẩm và được gọi tên thân mật là anh Văn. Còn cán bộ, chiến sĩ dưới quyền bận quần áo chàm. Tất cả rất giống nghĩa quân thời xa xưa. Nhưng sự thần kỳ đã đến, bởi ngay sau đó họ đã chiến thắng trận đầu ở Phay Khắt - Nà Ngần, mở đường cho ngàn trận chiến đấu và chiến thắng về sau. Còn người chỉ huy của họ sớm được toàn quân tôn vinh là Anh cả, vị Tổng Tư lệnh văn võ song toàn như câu đối ngợi ca: “Văn lo vận nước, văn thành võ - Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”.
 
Phải chăng, văn hóa Việt Nam đã tạo lập trong con người bình dị này những phẩm chất cao đẹp, ắp đầy nhân cách sống yêu nước, thương dân đến độ hoàn thiện rất hiếm có. Bởi thế, ngay sau khi Đại tướng qua đời, hết thảy 90 triệu người Việt Nam tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con người chỉ đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế giới gọi là vị tướng huyền thoại bậc nhất trong các vị tướng thao lược của mọi thời đại.
 
Thiết nghĩ, chẳng thể có lời văn nào hay hơn, trọn vẹn hơn những lời ngợi ca vừa dẫn.
 
Ngày Đại tướng ở rừng già Việt Bắc, vai ba lô lên đường ra trận quyết chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ được Bác Hồ giao nhiệm vụ chỉ với bốn từ “tướng quân tại ngoại”. Đơn giản chỉ thế thôi mà thiêng liêng vô cùng, đẹp đẽ vô cùng. Nhận trọng trách nặng nề của Đảng, của Bác, của nhân dân bằng sự thách thức giữa cái sống và cái chết, giữa đổ máu ít hay đổ máu nhiều của chiến sĩ, đặt ra cho vị “tướng quân tại ngoại” phải vắt óc suy tính, phải từng phút đấu tranh trong thế giằng co giữa phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” hay “đánh chắc tiến chắc”.
 
Với tầm nhìn chiến lược, tâm hồn ngập tràn tính nhân văn, quý trọng từng giọt máu của chiến sĩ, thương nhớ đến vô vàn người Cha - Cụ Võ Quang Nghiêm và người bạn đời yêu quý Nguyễn Thị Quang Thái đều là liệt sỹ, Đại tướng quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến kể từ ngày 25/1/1954 là “đánh chắc, tiến chắc”; bởi thế mới có ngày toàn thắng 7/5/1954 để: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.
 
Một đời vì nước vì dân, một đời mà trong vui buồn của đời sống thường nhật, Đại tướng không bao giờ quên nhắc đến công ơn to lớn của Bác Hồ đối với dân, với nước cũng như công lao của dân đối với quân đội vốn nặng tình cá nước. Vào năm Đại tướng tròn 80 tuổi, khi lên thăm tỉnh Cao Bằng, Người nói chuyện với đồng bào nơi đây bằng tiếng Tày - Nùng và gọi đây là quê hương thứ 2 của mình. Kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên, Đại tướng trở lại thăm chiến trường xưa, thăm lại Sở Chỉ huy Mường Phăng, nơi núi rừng đã chở che vị Tư lệnh chiến dịch để sống lại cái không khí, cái tình nghĩa sâu thẳm giữa Đại tướng, giữa những anh bộ đội Cụ Hồ với bà con các dân tộc đã một thời đùm bọc, chở che các chiến sĩ để làm nên ngày toàn thắng Điện Biên chấn động địa cầu.
 
Ngày Đại tướng về thế giới vĩnh hằng, bà con các dân tộc xã Mường Phăng khóc tưởng như không còn nước mắt. Người Thái Mường Phăng nén đau thương và nói với nhau rằng, nhìn rừng cây xanh tốt của Đại tướng, nhìn hồ thủy lợi nước tràn trề của Đại tướng, nhìn trường học phổ thông cơ sở với nhiều thiết bị vi tính của Đại tướng ban tặng…, người Thái nguyện học tập và noi gương công đức của Người.
 
Nếu như vĩ nhân của thời đạ i- Bác Hồ kính yêu khi trở về Tổ quốc nghẹn ngào hôn lên nắm đất của quê cha đất Tổ; khi chuẩn bị chia tay trần gian, Người để lại bản Di chúc bất hủ với muôn vàn tình thân yêu, thì người học trò ưu tú và kiệt xuất của Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi cống hiến cuộc đời oanh liệt, nhưng vô cùng giản dị, sáng trong của mình cho dân cho nước, ông lại quay về đất Mẹ Quảng Bình khi trái tim nhân hậu ngừng đập ở năm thứ 103 cuộc đời. Hành trang về bên kia thế giới người hiền của vị Đại tướng huyền thoại sống là nắm đất của làng An Xá mang vội từ đất Lệ Thủy ra Thủ đô, gói trong túi vải được đặt trang trọng trong quan tài phủ cờ Tổ quốc mà trọn đời Đại tướng kiên trinh đồng hành cùng giang sơn, xứ sở.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo