Môi trường

Xuất hiện chất gây rối loạn nội tiết ở nước sông Sài Gòn - Đồng Nai

Một nghiên cứu cho thấy vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đã xuất hiện chất gây rối loạn nội tiết và dư lượng kháng sinh, với nhiều nơi vượt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, quy trình xử lý nước thải thực tế hiện nay đều chưa có xử lý 2 “hoá chất mới” này.
Nước sông hạ lưu Sài Gòn - Đồng Nai dùng cung cấp nước cho TP.HCM nhưng đã xuất hiện chất gây rối loạn nội tiết
 
Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên hiệu trưởng đại học Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM.
Các kết quả nghiên cứu phân tích cho thấy, đã có sự hiện diện của dư lượng kháng sinh và chất rối loạn nội tiết trong nước thải, cũng như trong nước sông hạ lưu vực Sài Gòn - Đồng Nai.
 
Tần suất phát hiện dư lượng kháng sinh nhóm Fluoroquinolone là 41% trong mẫu nước, và 58% trong mẫu bùn/trầm tích.
 
Đối với nhóm chất gây rối loạn nội tiết phthalate ester, tần suất phát hiện cũng khá cao: 17% trong mẫu nước và 58% trong mẫu bùn.
 
Dư lượng kháng sinh và các chất gây rối loạn nội tiết được xếp vào nhóm các chất ô nhiễm mới (emerging contaminant). Chúng không phải là những chất “mới” về mặt hóa học hoặc sinh học, mà là những chất ô nhiễm đang tồn tại trong các thành phần môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và quan trắc định kỳ.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, sự hiện diện của các dư lượng kháng sinh và các chất gây biến đổi nội tiết dù ở hàm lượng rất nhỏ tại các thuỷ vực, nhưng có thể gây ra các tác động tiêu cực đến con người và hệ sinh thái.
 
Các chất này có chủ yếu ở nước thải sinh hoạt, công nghiệp hoặc nông nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung, quy trình xử lý nước thải hiện nay không thích hợp để xử lý dư lượng kháng sinh và chất gây rối loạn nội tiết. Vì vậy, các chất ô nhiễm này sẽ tồn lưu và tiếp tục di chuyển ra môi trường, sông suối bên ngoài.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này ở bản tin tiếp theo.
Một thế giới
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo