Xuất khẩu cá tra của Việt Nam đi Mỹ gặp khó
Trong tháng 7/2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 160,088 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm ước 996,5 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016, theo tin tức trên báo Vneconomy.
Top 3 thị trường chính, gồm: Mỹ ước đạt 223,531 triệu USD, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 22% tổng giá trị xuất khẩu cá tra cả nước; Trung Quốc ước đạt 201,091 triệu USD, tăng 46%, chiếm 20,3% tổng giá trị xuất khẩu và EU ước đạt 120,072 triệu USD, giảm 23,1%, chiếm 12,1% tổng giá trị xuất khẩu.
Trong 7 tháng đầu năm, dù giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm không đáng kể (1%) và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số một của cá tra Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo lắng do Luật Trang trại (Farm Bill) triển khai sớm nên việc chuyển giao từ Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) sang Cục Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ diễn ra nhanh hơn trong khi năng lực kiểm tra của hai cơ quan này khác nhau, nhất định sẽ gây ra những tác động không mong muốn.
Bên cạnh đó, ngày 31/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã kết thúc đợt rà soát hành chính lần thứ 14 đối với cá tra (POR 14) từ 1/8/2016 - 31/7/2017 thuế chống bán phá giá cá tra, và kể từ ngày 1/8/2017 sẽ bước sang kỳ POR mới. Dự kiến khoảng tháng 9/2017, DOC sẽ có kết quả sơ bộ của kỳ POR13.
Hai vấn đề trên là rào cản thương mại lớn, ảnh hưởng trực tiếp lên xuất khẩu cá tra vào Mỹ, có khả năng giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong các tháng cuối năm tiếp tục đổ dốc.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh (Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản), cá tra được nhiều nước đánh giá là "mỏ vàng" của Việt Nam. Đây là loài cá bản địa có năng suất sinh học cao, chiếm ít diện tích đất, phù hợp nuôi quy mô công nghiệp, báo Người lao động đưa tin.
Thịt cá tra trắng, không có xương dăm, ít mùi cá (vị trung tính) nên có thể chế biến món ăn cho nhiều nền ẩm thực khác nhau. Do đó, cá tra chi phối thị trường cá phi lê thịt trắng thế giới, là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nhiều nước với khả năng "bùng nổ" về sản lượng mà không có loại cá nuôi nào có thể là đối thủ. Đã thế, giá cá tra lại rẻ, đây là lợi thế mà cũng là khởi nguồn của thị phi, kiện bán phá giá và nhiều quy định khắt khe từ nước nhập khẩu.
Với nhiều ưu thế vượt trội nhưng do cạnh tranh chủ yếu bằng giảm giá, đi kèm là giảm chất lượng khiến các đối thủ có cớ để "đánh" cá tra ở khắp các thị trường.
Theo bà Minh, các DN nên nhận thức rõ, cạnh tranh giảm giá là tự sát. Các DN cần hợp tác xây dựng thương hiệu chung dựa trên các quy tắc ứng xử, kiểm soát nội bộ và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật mà thị trường đưa ra.
TS Lê Thanh Lựu, Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng đã đến lúc các DN cần thay đổi tư duy kinh doanh. Đó là không bán hàng giá rẻ. "Tôi mong chờ những DN từ chối đối tác đặt hàng giá rẻ. Toàn ngành nói không với giá rẻ để bảo vệ chất lượng và thương hiệu thủy sản Việt Nam" - ông Lựu đề xuất.
Mới đây, trong đề án xây dựng thương hiệu quốc gia đang được các bộ ngành triển khai, chỉ mặt hàng phi lê cá tra cao cấp (gần với phi lê tự nhiên, không tăng trọng) được chọn để xây dựng thương hiệu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá