Thị trường

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh

(DNVN) - Trong 11 tháng năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 146,7 triệu USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường chính đều giảm sút từ 4,2 - 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Nằm trong bức tranh XK cá tra năm 2015, Trung Quốc và Ả rập Xê Út là hai điểm sáng nhất. 

Tính đến hết tháng 11/2015, tổng giá trị XK cá tra đạt gần 1,44 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị XK sang 6 thị trường lớn nhất là Mỹ; EU; ASEAN, Mexico, Brazil và Colombia đều giảm so với năm ngoái. Trong đó, giá trị XK sang thị trường Brazil chỉ đạt 67,3 triệu USD, giảm mạnh nhất trong top 10 thị trường chính với 42,2%. XK sang hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU (chiếm 38,7% tổng XK) giảm lần lượt 4,2% và 15,3%.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại thị trường Mỹ, trong 11 tháng năm 2015, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 289,7 triệu USD, chiếm 20,2% tổng giá trị XK, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Hiện nay, cá tra là sản phẩm thủy sản đông lạnh có giá trị lớn thứ 6 tại thị trường Mỹ, sau tôm (HS 030617), cá hồi (HS 030641-81), cua (HS 030614), cá rô phi (HS 030461) và tôm hùm (HS 030612-22). Tuy nhiên, trong năm 2015, sản phẩm cá tra chịu sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cá rô phi và cá Cod tại thị trường Mỹ. 

Có 4 nguyên nhân lớn khiến XK cá tra sang thị trường Mỹ sụt giảm trong 11 tháng năm 2015 đó là do thuế chống bán phá giá cao; thuế NK thủy sản của Mỹ giảm; cá tra Việt Nam bị cá rô phi Trung Quốc cạnh tranh thị phần gay gắt; XK cá tra bị ảnh hưởng do thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ về việc triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá Tra NK vào Mỹ.

Tại thị trường EU, giá trị XK cá tra sang EU đạt 265,2 triệu USD, chiếm 18,5% tổng giá trị XK, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 thị trường XK đơn lẻ lớn nhất, duy nhất giá trị xuất sang thị trường Anh tăng 17%, ba thị trường còn lại là: Hà Lan giảm 11,1%; Tây Ban Nha giảm 33,9% và Đức giảm 23,6%. Hiện nay, nhu cầu NK cá tra của EU không tăng, giá chững. Cá tra Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với các sản phẩm cá thịt trắng tại thị trường này như: Cá Cod, Cá minh thái Alaska, cá Hake… Trong 3 tháng trở lại đây, khối lượng NK cá tra phi lê đông lạnh của EU giảm nhưng khối lượng nhập cá thịt trắng, nhất là cá Cod lại ổn định hoặc tăng mạnh.

Tại thị trường ASEAN, giá trị XK cá tra sang ASEAN đạt 122,9 triệu USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK cá tra sang Thái Lan - thị trường NK lớn nhất trong khu vực tăng khoảng 5,2%; Singapore giảm 6,9% và Philippines giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Cá tra Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh với sản phẩm cá Alaska Pollack, cá Cod, cá rô phi (thuộc HS 0303) tại thị trường Thái Lan vì giá trị NK các sản phẩm này của Thái Lan.

 

Tại thị trường Mexico, giá trị XK cá tra sang nước này đạt 88,9 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê mới nhất của ITC, trên số liệu của Viện Địa lý và Thống kê quốc gia Mexico (INEGI), hiện nay, Việt Nam là nguồn cung thủy sản lớn thứ 3 của Mexico (sau Trung Quốc và Chile). Hiện cá tra Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh mạnh của sản phẩm cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mexico.

Trái ngược với việc sụt giảm giá trị xuất khẩu tại các thị trường trên, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc lại tăng rất mạnh. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2015, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc đạt 146,7 triệu USD, tăng mạnh nhất trong 3 thị trường có mức tăng trưởng giá trị dương với mức tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2014. 

Theo Vasep, có 3 nguyên nhân chính khiến XK cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong 11 tháng năm 2015 tăng mạnh đó là do XK khó khăn tại các thị trường NK lớn như: Mỹ, EU, ASEAN, Mexico, Brazil buộc các DN chuyển mạnh XK sang Trung Quốc. Hơn nữa, do nhu cầu tiêu thụ cá tra của Trung Quốc và DN Trung Quốc NK để SX và XK cá tra sang thị trường Mỹ tăng. Ngoài ra, để phát triển bền vững ngành thủy sản trong nước, trong đó có khai thác biển, Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu. Đó là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước này đẩy mạnh gia tăng NK.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo