Xuất khẩu có dấu hiệu khả quan
Trong kết quả xuất khẩu chung, khu vực 100% vốn trong nước đạt kim ngạch khoảng 34,9 tỷ USD, tăng 0,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,6 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với nhóm hàng nông sản, thủy sản, xuất khẩu tháng 10 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng 9 và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 17,3 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng kim ngạch XK và tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều tăng so với cùng kỳ (trừ hạt tiêu giảm 12%), khiến kim ngạch xuất khẩu của đa số mặt hàng đều tăng trưởng dương dù giá xuất khẩu đã giảm so với cùng kỳ.
Những mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng cao là cà phê tăng 35%, sắn và các sản phẩm từ sắn 38%. Đặc biệt đối với mặt hàng cà phê do bước vào vụ thu hoạch 2012 - 2013 nên lượng và kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đã tăng cao so với tháng 9 .
Tuy nhiên, vẫn có hai mặt hàng có kim ngạch giảm là gạo giảm 4% và cao su giảm 8,4%, do giá xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ (lượng xuất khẩu hai mặt hàng này tăng trưởng lần lượt 55,8% và 38,2%).
Trong nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, xuất khẩu tháng 10 giảm 11,4% so với tháng 9 nhưng tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng kim ngạch 10 tháng qua lên 9,7 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Trừ dầu thô, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của các mặt hàng trong nhóm này đều giảm do lượng xuất khẩu giảm. Song, nhờ sự tăng về lượng và trị giá xuất khẩu của dầu thô là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm nên kim ngạch xuất khẩu chung của cả nhóm vẫn tăng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý với nhóm hàng công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 6,9% so với tháng 9 và tăng tới 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa nhóm hàng này từ đầu năm đến nay đạt kim ngạch xuất khẩu 59,8 tỷ USD, chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 10 tháng năm nay, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng công nghiệp đều đạt mức tăng trưởng dương, trừ một số mặt hàng như sắt thép giảm 10,7%, vải giảm 14,6%, kim loại thường và sản phẩm giảm 0,5%, đá quý và kim loại quý giảm 83,3%.
Đặc biệt, dệt may tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, đạt 12,5 tỷ USD, tiếp theo là điện thoại các loại 9,9 tỷ USD, giày dép 5,7 tỷ USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 4,6 tỷ USD...
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định: Nhìn chung xuất khẩu càng về cuối năm càng diễn biến theo chiều hướng tích cực. Kim ngạch XK tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái và so với kế hoạch đề ra. Bình quân mỗi tháng xuất khẩu đạt 9,35 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 9,13 tỷ USD/tháng theo kế hoạch. Đáng chú ý, lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng thuộc nhóm nông thủy sản tăng cao nhưng do giá xuất khẩu giảm nên mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giảm. Trong khi đó, nhóm nhiên liệu, khoáng sản lại gặp thuận lợi về giá xuất khẩu nên mặc dù lượng xuất khẩu giảm theo chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô song kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp FDI như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh, máy quay phim... luôn tăng trưởng cao và ổn định. |
Hải Bình (Theo KTĐT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 9/1/2024: Chạm đỉnh trong gần bốn tuần
Xuất khẩu Việt Nam 2025: 2 kịch bản ứng phó trước chính sách mới từ Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 9/1/2025: USD tăng mạnh do lợi suất trái phiếu Mỹ đi lên
Năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt hơn 2 tỷ USD
Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam
Giá heo hơi ngày 9/1/2025: Nhích tăng tại miền Bắc