Phân tích

Xuất khẩu dệt may, da giày có thể tăng trưởng ít nhất 20% khi TPP có hiệu lực

(DNVN) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhận định như vậy về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam khi Hiệp định có hiệu lực.

Theo đó, trả lời báo giới tại thời điểm trước khi rời Sydney (Australia) sang New Zealand tham gia lễ ký kết Hiệp định TPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết những mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có lợi ích cốt lõi như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản sẽ có cơ hội tăng trưởng rất lớn khi TPP có hiệu lực. 

"Tính toán thì cho nhiều kết quả khác nhau và còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực thi Hiệp định nhưng bước đầu cho thấy Dệt may, da giày có thể tăng trưởng ít nhất 20%", Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.

Xuất khẩu dệt may, da giày có thể tăng trưởng ít nhất 20% khi TPP có hiệu lực.

Theo vị tư lệnh Bộ Công Thương, với nông sản, thủy sản thì có thể tăng trưởng thấp hơn một chút vì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường TPP, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã khá lớn nên nếu muốn tăng trưởng với tốc độ cao hơn thì doanh nghiệp thủy sản phải đáp ứng được các yếu tố như mở rộng diện tích nuôi trồng, quan tâm tới chất lượng của sản phẩm, nhất là các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về kiểm dịch. 

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu các yếu tố này không được đáp ứng tốt thì kim ngạch xuất khẩu không những khó cải thiện mà còn bị chính các rào cản thương mại này kìm hãm. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác đảm bảo chất lượng và thực thi nghiêm túc các quy định trong TPP thì đây sẽ là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cho biết về việc Hiệp định TPP sẽ bổ sung thêm những cơ hội mới nào cho tăng trưởng kim ngạch thương mại với Australia và New Dilan khi đã có Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong khung khổ AANZFTA mà Việt Nam là một thành viên của ASEAN cũng đã có các quy định về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhưng với các thỏa thuận của Việt Nam với Australia và New Zealand trong khung khổ TPP thì mức độ mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ cao hơn. 

Cụ thể, với Australia, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận là Australia sẽ giành cho Việt Nam khoảng 94% dòng thuế có mức thuế suất bằng 0% và với tổng kim ngạch tương đương với khoảng 95% kim ngạch xuất khẩu hiện nay. 

Tương tự như vậy, New Zealand cũng giành cho Việt Nam khoảng 93% dòng thuế có mức thuế suất 0% và với kim ngạch tương đương khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu hiện nay của Việt Nam. Vì vậy, nếu thực thi TPP thì mức độ mở cửa hàng hóa của Australia và New Zealand giành cho Việt Nam sẽ cao hơn trong khung khổ AANZFTA.

 

Như đã đưa tin, ngày 04/02/2016, tại New Zealand, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được Bộ trưởng thương mai12 nước ký kết gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Hiệp định được cho là "thế kỷ' này có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo