Xuất khẩu dệt may đầu năm tụt lại sau điện thoại
Số liệu của Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy, tháng 1-2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 27,17 tỉ đô la Mỹ, tăng 1% so với tháng trước và tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đứng đầu là điện thoại các loại và linh kiện, với kim ngạch xuất khẩu trên 2,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là dệt may đạt kim ngạch trên 1,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xếp thứ ba, với kim ngạch đạt trên 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 72,1%, trong khi giày dép, và máy móc thiết bị lần lượt đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la Mỹ và 664 triệu đô la Mỹ, tăng 26,3% và 32,5%.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1-2015 đạt trên 926,6 triệu đô la Mỹ, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường lớn thứ hai là Liên minh châu Âu nhìn chung giảm nhẹ (sang thị trường Đức giảm gần 22%, sang Tây Ban Nha giảm gần 30%, nhưng bù lại tăng mạnh tại thị trường Anh và Hà Lan), sang thị trường lớn thứ ba là Nhật Bản tăng nhẹ (đạt 242 triệu đô la Mỹ, tăng 6%).
Trong một cuộc gặp gỡ báo chí vào giữa tháng 1-2015, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho rằng trong năm 2015, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ chịu một số thách thức.
Cụ thể, trong năm 2014, xuất khẩu dệt may từ Việt Nam đã lấy không ít thị phần của nhiều nước xuất khẩu khác tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản,.... do đó chắc chắn các nước này trong năm nay sẽ có nhiều biện pháp để cố gắng duy trì tăng trưởng và thị phần của họ.
Theo Vinatex, nếu so với các quốc gia cạnh tranh khác trên thị trường Mỹ, trong năm 2014, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng dẫn đầu với hai con số - tăng 12,6%, trong khi các nước khác tăng nhẹ hoặc tăng trưởng âm. Chẳng hạn như xuất khẩu dệt may của Trung Quốc sang Mỹ tăng chưa tới 1%, Ấn Độ tăng khoảng 6%, còn xuất khẩu của Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Campuchia sang Mỹ tăng trưởng âm.
Thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ năm 2014 đạt 8,4%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2013.Tại thị trường Nhật Bản, trong năm 2013, thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc chiếm trên 70,7%, Việt Nam chiếm 6%, tiếp đến là Indonesia với 3,3%, nhưng đến năm 2014, thị phần của Trung Quốc giảm xuống còn 67,2%, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp khác tăng thị phần, trong đó, Việt Nam tăng lên 6,6%, Indonesia đạt 3,7%.
Ngoài ra, theo ông Lê Tiến Trường, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư gia tăng năng lực sản xuất, nhưng cũng mất nhiều thời gian trước khi các dự án đầu tư mở rộng này chính thức đi vào sản xuất. Tiếp đến là, các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia đàm phán trong thời gian qua dự kiến được ký kết trong năm nay, nhưng để các hiệp định này có hiệu lực thì phải mất từ 12-18 tháng nữa để quốc hội các nước phê duyệt.
Do đó, theo ông Trường, hiệu ứng của các hiệp định thương mại này trong năm nay cũng chủ yếu tạo sức hút để các khách hàng tìm đến doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam nhằm tạo mối quan hệ, tạo cơ sở đặt hàng để chuẩn bị cho thời điểm các hiệp định như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Hiệu ứng này cũng đã góp phần giúp xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng 15-16% trong năm ngoái.
Thêm vào đó, với việc giá dầu giảm, giá bông trong năm nay có thể cũng chỉ còn 1,5 đô la Mỹ/kg, kéo theo giá sợi xuất khẩu cũng chỉ còn khoảng 3 đô la Mỹ/kg. Trong khi trong năm ngoái, giá sợi xuất khẩu là 3,5 đô la Mỹ/kg. Vì vậy, ông Trường cho rằng để đạt được mục tiêu kim ngạch dệt may 28,3 tỉ đô la Mỹ trong năm nay (tăng 4 tỉ đô la Mỹ so với kim ngạch năm 2014), thì sản lượng xuất khẩu phải có tốc độ tăng cao hơn 20% vì mặt bằng giá cả thấp hơn năm ngoái.
Mặc dù trong tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu dệt may sang một số thị trường chính giảm nhẹ, nhưng theo Vinatex, nhìn chung, xuất khẩu dệt may năm 2015 của Việt Nam sang Mỹ dự báo tiếp tục đạt tăng trưởng tốt, dự kiến tăng 13% so với năm 2014, đạt trên 11 tỉ đô la Mỹ so với con số năm ngoái là trên 9,7 tỉ đô la Mỹ, sang EU sẽ duy trì được đà tăng trưởng và đạt trên 4 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,6% (trong năm 2014 đạt trên 3,4 tỉ đô la Mỹ). Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản được dự báo tăng 9%, đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo