Thị trường

Xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục: Tận dụng thời điểm “vàng”

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây phát đi tín hiệu đáng mừng. Xuất khẩu gạo nước ta đang “thừa thắng xông lên” với dồn dập lượng gạo xuất đi những tháng cuối năm.

Hứa hẹn đạt mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 7,7 triệu tấn cho cả năm 2012, ngành lúa gạo đang tận dụng tối đa thời điểm “vàng” để chạy nước rút với hàng loạt hợp đồng tập trung, bởi những tháng tới thị trường gạo thế giới sẽ nhiều biến động.

Chạy nước rút

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), căn cứ vào lượng hợp đồng đã ký và khả năng giao hàng từ nay đến cuối năm, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cán đích 7,7 triệu tấn gạo xuất khẩu cả năm 2012. Đây được coi là mức xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay và vượt lên Thái Lan đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng lương thực chủ lực này.

Riêng trong tháng 11, lượng gạo xuất khẩu đạt trên 646.000 tấn, đạt giá trị 287,7 triệu USD. Số lượng này vượt chỉ tiêu ban đầu khoảng 50.000 tấn.

Tính chung 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo nước ta vẫn đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với gần 6,5 triệu tấn, kim ngạch 2,87 tỉ USD.

 

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng lúa cả năm 2012

ước đạt 42,5 - 42,8 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011.



Cũng theo VFA, so với cùng kỳ năm 2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 2,7% về lượng nhưng giảm 5,85% về giá trị do giá gạo năm nay thấp hơn năm ngoái. Thị trường chủ lực vẫn là các nước Châu Á với 67,5%, Châu Phi 24,7%, Châu Mỹ 4,7%...

Thị trường xuất khẩu gạo tính đến thời điểm này cũng là điều đáng bàn khi xuất hiện nhiều thị trường chủ lực mới. Theo đó Trung Quốc tuy vẫn là thị trường lớn nhiều năm nay của nước ta song so với mọi năm, lượng gạo xuất khẩu vào nước này áp đảo với 1,7 triệu tấn gạo, chưa kể Hồng Kông mua gần 190.000 tấn.

Các thị trường quen thuộc như Indonesia, Philippines và Malaysia vẫn duy trì mức nhập khẩu gạo tương đối ổn định từ nước ta.

Do lượng hợp đồng đăng ký mua gạo tiếp tục tăng so với các tháng trước (trong đó Indonesia ký tập trung mua 300.000 tấn), các doanh nghiệp hiện đang chạy nước rút cho khoảng hơn 1 triệu tấn gạo cần xuất đi từ nay đến hết tháng 12.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết: “Tùy vào số lượng hợp đồng ký trong tháng 11 này, lượng gạo xuất khẩu cả năm của Việt Nam có thể lên đến 7,7 triệu tấn. Nếu đạt được con số này thì năm 2012 Việt Nam sẽ đạt mức xuất khẩu gạo cao nhất trong vòng 20 năm qua”.

Tận dụng thời điểm “vàng”

Việc VFA khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục mạnh tay nhận càng nhiều hợp đồng càng tốt để xuất khẩu gạo có thể cán đích 7,7 triệu tấn được coi là động thái “lạ” so với đầu năm nay.

Trước đó, VFA đã cảnh báo các doanh nghiệp hết sức thận trọng khi nhận các hợp đồng xuất khẩu bởi lo ngại thị trường gạo 2013 sẽ trầm lắng, kéo giá gạo xuống thấp. Điều này đã từng xảy ra với Ấn Độ vào đầu năm nay khi nước này tuyên bố bán gạo giá rẻ cho thế giới.

Tuy nhiên theo một số doanh nghiệp, do nguồn cung gạo trong nước khá dồi dào từ nay đến cuối năm, cộng thêm lý do áp lực giảm tồn kho của Ấn Độ và Thái Lan theo dự báo của VFA nên việc “chạy nước rút” thời điểm này là hoàn toàn hợp lý.

Xuất khẩu gạo và càphê cùng đạt kỷ lục

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng lúa cả năm 2012 ước đạt 42,5 - 42,8 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011. Theo đó, sản lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là 7,5 - 7,7 triệu tấn.

 

Ngoài ra, tính đến nay càphê nước ta đã xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn, kim ngạch 3,38 tỉ USD - tăng 23% về lượng và 24% về giá trị so với niên vụ trước, giá bán ổn định 40.000 - 42.000đ/kg, đảm bảo có lãi cho nông dân.

Những lo ngại của VFA cũng có cơ sở bởi hiện diễn biến gạo trên thế giới thời gian tới sẽ không thuận lợi nhiều như hiện tại. Nhiều chuyên gia dự báo thị trường gạo thế giới trong thời gian tới theo xu hướng bão hòa, thậm chí sụt giảm do nhiều nước đối thủ sẽ vào vụ thu hoạch mới (Pakistan, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan...)

Đặc biệt, Thái Lan đang tìm thời điểm thích hợp để giải phóng hàng tồn kho. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước chịu khá nhiều áp lực bởi không biết lượng gạo mà Thái Lan sẽ tung ra là bao nhiêu và liệu giá bán có thấp hơn Việt Nam hay không.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là “mối lo” mới khi vừa trải qua giai đoạn mưa lũ để có một mùa vụ bội thu.

Chính vì thế, VFA khẳng định đây là thời điểm “vàng” để xuất gạo đi càng nhiều càng tốt, bởi sắp tới sẽ là cuộc cạnh tranh khá khó khăn với các đối thủ, khi mà giá gạo trong nước khó lòng cạnh tranh được với giá gạo cấp thấp của Ấn Độ.

VFA khuyến cáo, doanh nghiệp cần thương lượng được hợp đồng giá tốt thì cứ ký để giải quyết lượng gạo cũ, tránh hiện tượng tồn kho cao dẫn tới giá giảm mạnh trong vụ đông xuân 2013 tới.

 

 

Mai Thủy (Theo Lao Động)


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo