Tài chính - ngân hàng

Xuất khẩu gạo sôi động nhờ tiểu ngạch

Hoạt động XK gạo ở ĐBSCL đã ít nhiều sôi động trở lại nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, nhất là kênh mua bán qua đường tiểu ngạch.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

 

Theo thông tin từ các DN XK gạo, mới đây Chính phủ Trung Quốc đã cấp quota cho các thương nhân nước này NK gạo. Chính vì vậy, trong vài tuần trở lại đây, thị trường gạo ở ĐBSCL đang bắt đầu sôi động trở lại khi nhiều khách hàng Trung Quốc sang đặt vấn đề mua gạo, nhất là qua đường tiểu ngạch. 

 
Có những DN đã được khách hàng Trung Quốc đặt mua tới vài chục ngàn tấn gạo. Thông tin từ các DN kinh doanh gạo ở Hải Phòng cho biết, lượng gạo hàng ngày đi từ cảng này tới cửa khẩu Lào Cai để đưa sang Trung Quốc tương đương với đầu năm 2014. 
 
Theo phân tích của các doanh nhân ngành gạo ở ĐBSCL, sở dĩ thương nhân Trung Quốc thích mua bán qua đường tiểu ngạch hơn chính ngạch, là vì chênh lệch lớn hơn.
 
Nếu mua qua đường chính ngạch, mỗi tấn gạo khi về tới Trung Quốc phải chịu thêm thuế, phí vào khoảng 80 USD/tấn. Trong khi đó, nếu mua bán qua đường tiểu ngạch, thương nhân Trung Quốc không phải chịu những khoản phí này. 
 
Chủ một DN chuyên cung ứng gạo XK ở Tiền Giang cho biết, hiện nay, giá gạo 5% loại IR 50504 tại kho là 7.350đ/kg, gạo OM 6976 là 7.750đ/kg. Khi đưa ra tàu, mỗi kg gạo thêm 150đ vận chuyển và bốc xếp. 
 
Cước phí đưa gạo bằng đường biển từ ĐBSCL ra Hải Phòng là 370đ/kg (trước đây chỉ trên 200đ/kg). Từ Hải Phòng đưa gạo lên cửa khẩu Lào Cai, thêm cước phí khoảng 800-900đ/kg.
 
Đó là giá thành, còn phải cộng thêm tiền lời cho các DN tham gia vào việc buôn bán từ ĐBSCL ra tới biên giới phía Bắc (mỗi DN phải lời chừng 100-150đ/kg thì mới làm). Tính tổng cộng lại, giá thành gạo đi đường tiểu ngạch sang Trung Quốc rõ ràng rẻ hơn nhiều so với giá NK chính ngạch.
 
Kể cả nếu buộc phải bỏ ra phí “bôi trơn” chừng vài chục USD/tấn, thì chi phí mà thương nhân Trung Quốc bỏ ra để mua gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch vẫn thấp hơn đáng kể so với đi đường chính ngạch. Tuy nhiên, một số thương nhân Việt Nam cho biết, cũng như nhiều lần trước đây, cách mua bán của thương nhân Trung Quốc, nhất là những thương nhân NK tiểu ngạch, đang gây ra những xáo trộn, lo lắng nhất định đối với ngành hàng gạo ở ĐBSCL. Theo VFA, trong năm nay, Trung Quốc vẫn có nhu cầu NK gạo rất lớn, khoảng 3,5-4 triệu tấn. Ông Phạm Vỹ Bền, một thương nhân ngành gạo cũng nhận định, nhu cầu NK của Trung Quốc là có thật, vì nước này hiện đang thiếu gạo so với nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước.
 
Bởi với sự chênh lệch không nhỏ về giá giữa gạo NK tiểu ngạch với gạo NK chính ngạch, những thương nhân mua bán tiểu ngạch hoàn toàn có thể nâng giá thu mua cao hơn so với mặt bằng giá chung ở ĐBSCL. Theo ông Đỗ Xuân Bang, GĐ Cty Duy Hưng Thịnh đóng tại tỉnh Đồng Tháp, giá gạo 5% tấm hiện vào khoảng 7.500đ/kg, các thương nhân Trung Quốc mua giá cao hơn 100đ/kg, tức là 7.600đ/kg. Chừng đó là đủ để họ có thể dễ cạnh tranh được với các DN Việt Nam trong việc mua gạo hàng hóa. 
 
Đây chính là điều mà nhiều DN Việt Nam tỏ ra lo ngại, vì kinh nghiệm những năm trước đây cho thấy, khi thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh thu mua với giá cao hơn so với mặt bằng giá chung trong nước, thì sẽ tạo nên một mức giá ảo, khiến cho các DN Việt Nam gặp khó khăn trong việc đàm phán về giá khi tìm kiếm những hợp đồng XK sang các thị trường khác. Và nếu như Trung Quốc lại đột ngột ngưng mua, giá gạo hàng hóa lại sẽ giảm mạnh xuống. Dầu vậy, trong bối cảnh XK gạo nói chung vẫn đang khá ảm đạm, cho dù đã có được một số hợp đồng XK tập trung (300 ngàn tấn XK sang Philippines và 240 ngàn tấn XK sang Malaysia), thì việc thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh NK gạo qua đường tiểu ngạch, cũng ít nhiều giúp cho tình hình tiêu thụ gạo hàng hóa ở ĐBSCL bớt khó khăn phần nào.
 
Theo nhận định của một chuyên gia ngành gạo, biết là XK tiểu ngạch sang Trung Quốc không mang tính bền vững, nhiều rủi ro, nhưng trong tình thế hiện nay, đó vẫn là một kênh tiêu thụ gạo không thể bỏ qua. Để giảm thiểu rủi ro khi mua bán tiểu ngạch với Trung Quốc, các DN cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ càng, nhất là trong việc thanh toán.
 
Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo