Xuất khẩu gỗ: Gian nan truy tìm xuất xứ
Nếu như năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 6,5 tỷ USD thì với những cơ hội đang đến từ các Hiệp định FTA, ngành gỗ đang đưa ra mục tiêu 7 tỉ USD vào năm 2015. Tuy nhiên ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản VN cho rằng mục tiêu này cũng không hề dễ dàng
3 điều lo lắng...
Trao đổi với PV, ông Quyền cho biết, hiện có 3 điều khiến ngành gỗ lo lắng.
Thứ nhất, bản thân trong nước chưa có nhiều diện tích có chứng chỉ rừng FSC, mới chỉ có khoảng 180 ngàn ha rừng FSC, quá ít so với nhu cầu;
Thứ hai, hiện tuy nhập gỗ ở 67 quốc gia nhưng mới chỉ có khoảng 5-6 quốc gia có chứng chỉ gỗ hợp pháp, còn lại chưa có trong khi nếu DN đi tìm các quốc gia khác để nhập sẽ rất tốn kém cả về thời gian và tiền bạc… ;
Thứ ba, hết năm 2015 Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ ký kết và phải sau 1 năm mới có hướng dẫn. Như vậy, từ nay tới khi đó ngành gỗ sẽ phải từ “mò mẫm” làm việc. Vì vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành cần đẩy nhanh tiễn độ nhằm tạo thuận lợi cho các DN.
“Hiện VN nhập khẩu gỗ từ 67 quốc gia, trong đó đứng đầu là Mỹ, kế đến là Malaysia, Lào, Campuchia, Trung Quốc… Trong đó sản lượng gỗ nhập từ Mỹ được đảm bảo 100% là gỗ hợp pháp, Malaysia, Trung Quốc… hiện chưa đảm bảo 100%. Do vậy, VN cần phải làm việc với các nước trên để đảm bảo từ 2017 sẽ đảm bảo chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ gỗ hợp pháp” Ông Quyền nói.
Theo các chuyên gia, điểm lo lắng nhất hiện nay vẫn là nguồn gốc xuất xứ gỗ. Bởi thực tế, chất lượng gỗ Việt trên thị trường quốc tế đã được minh chứng trong nhiều năm nay, đặc biệt thị trường châu Âu, Nhật Bản rất ưa chuộng mặt hàng gỗ Việt. Bài toán hiện nay là các DN cần phải tìm hiểu, đánh giá, xem xét kỹ nguồn gốc gỗ để đảm bảo 100% là gỗ hợp pháp nhằm tận dụng được những ưu đãi từ các Hiệp định đã ký kết. Khi xem xét kỹ nguồn gốc gỗ thì giá gỗ chắc chắn sẽ tăng lên vì VN phải đi tìm, chọn lọc nên yêu cầu cao lên. Chi phí để làm chứng chỉ cũng cao lên, tức là giá gỗ sẽ tăng lên. Vì vậy, giá mua sản phẩm được dự báo cũng tăng.
Mục tiêu 1 triệu ha rừng có chứng chỉ FSC
Mặc dù vẫn còn những điểm lo lắng nhưng hiện các Bộ, ngành và DN ngành gỗ đã nhận thức và đang chuẩn bị mở rộng diện tích chứng chỉ rừng FSC. Đây là cơ sở để VN đảm bảo lượng gỗ nguyên liệu cũng như nguồn gốc xuất xứ trong nước. Thực tế đã có khoảng gần 200 ngàn ha gỗ có chứng chỉ rừng FSC, trong tương lai đến 2020 sẽ có khoảng 1 triệu ha. Đó là chuyện nguyên liệu trong nước. Để chuẩn bị đảm bảo nguồn gỗ nhập khẩu có xuất xứ hợp pháp, Hiệp hội gỗ và Lâm sản đang phối hợp với các thương vụ để lấy danh sách DN các nước XK gỗ có đủ chứng nhận FSC đầy đủ, hợp pháp để nhập gỗ. Bên cạnh đó, trong năm 2015, cụ thể trong quý II/2015 sẽ tiến hành tuyên truyền nâng cao DN gỗ có trách nhiệm chế biến gỗ chất lượng cao, đảm bảo 100% là hợp pháp. Ngoài ra, xây dựng chương trình liên kết các DN chế biến gỗ và người trồng rừng để trồng và khai thác gỗ hợp pháp. DN sẽ đầu tư vốn cho hộ gia đình nhỏ lẻ để có cơ sở trồng rừng. Hiện có nhiều DN gỗ thực hiện mô hình này khá thành công, chẳng hạn như: Cty lâm sản Nam Định, Cty Đại Thành (Bình Định)… cam kết hai bên phối hợp trồng và chế biến gỗ theo đúng quy định pháp luật quốc tế.
Theo các chuyên gia, về lâu dài ngoài việc ngành gỗ có kế hoạch trồng mới rừng, Chính phủ cần rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, đầu tư giải pháp công nghệ để nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, để đảm bảo uy tín cho sản phẩm gỗ, Nhà nước cũng cần kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các DN FDI ở Việt Nam, ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ gỗ. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để ngành gỗ VN chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và phát triển bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo