Xã hội

Xuất khẩu lao động trở thành kẻ ăn xin

Hơn tháng qua, hai lao động do chi nhánh Cty CP Việt Hà - Hà Tĩnh (VIHATICO, ngõ Anh Sơn, đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa đi làm việc tại Qatar đang sống vật vờ do không được bố trí việc làm, phải đi xin ăn từng bữa nơi đất khách. Hai NLĐ này đã nhiều lần đề nghị chi nhánh của VIHATICO đưa về nước. Nhưng hơn một tháng qua, đến ngày 17.4, chi nhánh Cty Việt Hà vẫn né tránh trách nhiệm, đổ lỗi và bỏ mặc NLĐ lang thang trong cảnh cùng quẫn.

Gia đình của anh Nam và anh Xuân đề nghị Cty VIHATICO phải sớm đưa chồng họ về nước và hoàn trả đầy đủ các khoản kinh phí mà họ đã đóng. Ảnh: ANH TUẤN

 

“Bỗng dưng”...  mất việc!

 
Ngày 14.1.2015, anh Nguyễn Tuấn Nam (SN 1976, trú xã Hoằng Quang, Thanh Hóa) và Nguyễn Đình Xuân (SN 1982, trú phường Tào Xuyên, TP.Thanh Hoá) đã ký HĐ với Cty VIHATICO đại diện là TGĐ Lưu Quang Bình, để sang Doha, Qatar làm nghề xây dựng; trong hợp đồng giữa hai bên có nêu công việc chính của 2 người là lái máy; bên sử dụng LĐ là Cty United Construction Est (Doha, Qatar). Ngày 19.1, hai anh chính thức xuất cảnh để sang xứ người làm việc với mức lương 2.000 QR (tương đương 500USD). Những ngày đầu đặt chân tới quốc gia nằm ở khu vực Trung Đông này, anh Xuân và anh Nam được bố trí công việc theo cam kết. Nhưng, sau khi làm việc được khoảng một tháng, bất ngờ, ngày 24.2.2015, bên sử dụng LĐ thông báo cho cả hai người nghỉ việc, nhưng không được thông báo vì lý do gì (!?).
 
Trước tình cảnh trên, anh Xuân, anh Nam gọi điện về báo cáo tình hình với chi nhánh của VIHATICO. Anh Nguyễn Đình Xuân điện thoại từ Qatar về phản ánh với phóng viên Báo Lao Động: “Ông Nguyễn Bảo Hưng - Trưởng phòng Tổng hợp chi nhánh Cty VIHATICO - trả lời với chúng tôi là do tay nghề còn non nên phía đơn vị sử dụng bên Qatar sẽ tổ chức sát hạch lại. Chúng tôi đợi mãi vẫn không thấy ai tổ chức kiểm tra tay nghề. Lúc này, phía VIHATICO lại viện lý do rằng hai anh em tôi không biết tiếng Qatar. Điều này là hết sức vô lý, bởi trước khi VIHATICO tuyển người để đưa đi XNLĐ, họ đã cho chúng tôi học tiếng Anh và mấy câu chào hỏi bằng tiếng Qatar - lỗi này nếu có thì phía Cty VIHATICO phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Còn nói về tay nghề nếu chúng tôi không đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển người bên Qatar thì tại sao Cty Việt Hà lại thu của chúng tôi hơn 40 triệu đồng để đưa sang Qatar làm gì (!?)”.
 
NLĐ vật vờ bên xứ người!
 
Cũng theo phản ánh của NLĐ, cả hai đang sống vật vờ bên Qatar suốt hơn một tháng qua. Sau nhiều lần liên hệ với Cty Việt Hà không có kết quả, NLĐ đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar cầu cứu thì mới biết, Cty Việt Hà đã không báo cáo danh sách của hai anh lên đại sứ quán để quản lý và theo dõi, hỗ trợ. Anh Xuân cho biết thêm: “Suốt hơn một tháng qua chúng tôi không có nơi trú ngụ trên đất nước Qatar. Hằng ngày, anh em tôi phải đi bộ đến các công trường có người Việt Nam làm việc xin ăn từng bữa. Trong khi đó, phía VIHATICO lại thoái thác trách nhiệm, bỏ mặc NLĐ do họ đưa đi, để rồi phải “ăn mày” trên đất khách. Đại diện của VIHATICO còn đưa ra yêu cầu vô lý, buộc gia đình phải gửi tiền sang mới mua vé máy bay đưa tôi và anh Nam về. Lỗi để xảy ra tình trạng anh em tôi thất nghiệp là do Cty Việt Hà, vậy tại sao họ có thể hành xử vô cảm như vậy?”.
 
Hoàn cảnh của gia đình anh Nam và anh Xuân đều thuộc diện rất khó khăn. Hai người vợ nuôi bốn đứa trẻ từ nguồn thu nhập của gánh hàng rong bán ở chợ quê. Họ đang rơi vào cảnh cùng quẫn và bế tắc trước tình cảnh người chồng đang sống trong điều kiện không được pháp luật nước sở tại bảo vệ, không có việc làm và cũng không biết phải làm cách nào để đưa hai người thân về nước. Chị Lê Thị Huyền (vợ anh Nguyễn Đình Xuân) bức xúc: “Lỗi để xảy ra tình trạng chồng tôi và anh Nguyễn Tuấn Nam không có việc làm thuộc về phía Cty VIHATICO. Họ phải có trách nhiệm đưa người thân của chúng tôi về nước trong thời gian sớm nhất và hoàn trả toàn bộ các khoản kinh phí mà các gia đình đã phải vay lãi, nộp cho chi nhánh Cty VIHATICO, theo đúng quy định của pháp luật”.
 
 
Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo