Thị trường

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro

9 tháng đầu năm sản lượng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung quốc. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều là: sắn, cao su, gạo, điều, các mặt hang thủy sản và rau quả.

Vải thiều ùn ứ ở cửa khẩu chờ xuất sang Trung Quốc

Đây là thống kê được bà Phan Thị Diệu Hà – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 4/11, tại Hà Nội.

 Bà Hà cho biết, thời gian qua lượng hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có giảm do một số khó khăn về chính sách, về chất lượng hàng hóa và do lo ngại về độ rủi ro của thị trường này (nhiều lần người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sau khi sản xuất xong thì phía Trung Quốc lại hủy hợp đồng hoặc trả hàng).
 
Vì vậy, để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát riển Nông thôn và các hiệp hội, ngành hàng triển khai đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.
 
Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị 15 về các giải pháp tiêu thụ hàng thủy sản. Đồng thời, để đảm bảo độ an toàn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, vừa qua Việt Nam đã ký với Trung Quốc biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại hàng nông sản giữa 2 nước.
 
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị 14 về việc triển khai các hình thức hoạt động hợp tác với Trung Quốc trong đó có việc xúc tiến xuất khẩu mặt hàng gạo, nông sản sang thị trường này. Với việc triển khai chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tích cực theo dõi, giám sát, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông sản sang Trung Quốc, tạo độ tin cậy trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
 
Tại buổi họp báo, bà Hà cũng nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng nông sản tương đối lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, để tiếp tục tăng cường xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này thì phải lưu ý một số diểm:
 
Thứ nhất, các doanh nghiệp cũng như nông dân phải chủ động việc nâng cao chất lượng hàng hóa của mình.
 
Thứ hai là phải nắm bắt thông tin thị trường của đối tác, bạn hàng để có những chiến lược kinh doanh, đàm phán, ký kết hợp đồng, đảm bảo nguồn tiêu thụ hàng nông sản theo đúng mùa vụ.
 
Thứ ba là, đối với việc xuất khẩu hàng nông sản, bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách thương mại của Bộ Công Thương thì các doanh nghiệp cũng phải chủ động phối hợp với nhà sản xuất, chế biến hàng nông sản để có một sự liên kết, tạo được giá trị cao trong hàng xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ cố gắng cung cấp các thông tin giúp các doanh nghiệp nắm bắt được thị trường đẩy mạnh xuất khẩu đạt giá trị cao và đảm bảo độ an toàn”.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo