Xuất khẩu thủy sản đang đà tăng trưởng hướng mục tiêu đạt 8 tỷ USD
Theo báo cáo từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, sau khi tăng trưởng nhẹ gần 5% trong quý 1/2017, chủ yếu nhờ các mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực bạch tuộc và cá biển, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong quý 2 với tốc độ tăng mạnh hơn.
Với mức tăng xuất khẩu trên 10% trong 3 tháng quý 2, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính, xuất khẩu thủy sản trong tháng 7 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng từ quý 2 với tổng giá trị đạt 714 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt 4,32 tỷ USD, tăng 15%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam phân tích, trong quý I, xuất khẩu tôm chững lại (giảm nhẹ 0,1%) do nguồn nguyên liệu giảm, giá thu mua nguyên liệu tăng. Về phía thị trường, Australia cấm nhập khẩu tôm trong 6 tháng cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp có hàng xuất khẩu sang thị trường này lao đao trong những tháng đầu năm, báo VnEconomy đưa tin.
Đến quý II/2017, nguồn cung nguyên liệu trong nước được cải thiện đáng kể, nguồn cung tôm tại một số nước sản xuất và thị trường nhập khẩu chính giảm. Bên cạnh đó, Úc từng bước nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm tạo cơ hội cho tôm Việt Nam đẩy mạnh giá trị xuất khẩu trong quý II/2017.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều tăng trong nửa đầu năm nay, trừ Mỹ và ASEAN giảm.
Vị trí của top 5 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 6 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ. EU ổn định ở vị trí thứ hai. Trung Quốc giữ vị trí thứ 3 và Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4.
Xuất khẩu tôm bắt đầu phục hồi mạnh trong quý II (tăng trên 30%), đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên 1,56 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm chân trắng ước đạt 962 triệu USD, tăng trên 21%, xuất khẩu tôm sú đạt 414 triệu USD, giảm 6,8%.
Nguồn cung tôm tại một số nước sản xuất và ở thị trường nhập khẩu chính giảm tạo cơ hội cho tôm Việt Nam đẩy mạnh giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm nay. Ước xuất khẩu tôm trong tháng 7 sẽ gần 18% đạt 322 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm lên gần 2 tỷ USD, tăng 16%.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng sụt giảm vì ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá và tác động của Farmbill có hiệu lực từ 2/8/2017. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra trong quý II vẫn duy trì tăng nhẹ 2 - 4% nhờ xuất khẩu sang các thị trường khác tăng, đưa tổng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng gần 6% đạt 836 triệu USD.
Xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc và các loại hải sản khác đều tăng mạnh hơn trong quý II, góp phần đáng kể cho tổng giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong 6 tháng qua. Xuất khẩu cá ngừ chế biến (đóng hộp và chế biến khác) có xu hướng tăng mạnh lên tới 37% trong khi cá ngừ đông lạnh tăng chậm hơn vào khoảng 16%, tờ Bizlive đưa tin.
Dự báo tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu của thị trường gia tăng cùng với sự điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, khó khăn từ thị trường Mỹ đối với sản phẩm tôm và cá tra sẽ hạn chế phần nào mức tăng trong nửa cuối năm.
Nửa đầu năm 2016, xuất khẩu thủy sản đạt 3,1 tỷ USD, nửa cuối năm XK tăng mạnh 27% so với nửa đầu năm đạt trên 4 tỷ USD. Với diễn biến như năm 2016 và đà tăng trưởng của nửa đầu năm 2017, dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2017 sẽ đạt 4,46 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 23% so với nửa đầu năm 2017. Tổng xuất khẩu thủy sản cả năm 2017 ước đạt 8 tỷ USD, tăng 14% so với 7,05 tỷ USD của năm 2016.
End of content
Không có tin nào tiếp theo