Phân tích

Xuất khẩu thủy sản hứa hẹn sẽ khởi sắc dù nhiều khó khăn

(DNVN) - Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), với những dư âm khó khăn từ năm cũ 2015 tại nhiều thị trường nhập khẩu lớn nhưng năm 2016 các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi hơn nhờ những hiệp định thương mại đã được ký kết.

Kết thúc một năm gian khó

 Theo số liệu của Vasep, tổng xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16,1% so với năm trước, sự sụt giảm này là do giá trị của hầu hết các sản phẩm XK đều giảm so với năm 2014 như tôm giảm 25,3%; cá tra giảm 11,5%; cá ngừ giảm 6%, mực, bạch tuộc giảm 11,2%, duy nhất mặt hàng hải sản khác tăng 2%. Tại 3 thị trường XK lớn nhất là: Mỹ; EU và Nhật Bản, giá trị XK cũng giảm lần lượt 24,2%; 17,8% và 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Vasep, kết thúc năm 2015, giá trị XK tôm giảm mạnh nhất trong cơ cấu sản phẩm thủy sản XK: 25,3%, đạt 2,95 tỷ USD và chiếm 44%. Trong đó, XK tôm chân trắng vẫn chiếm 59% với 1,74 tỷ USD, giảm 25% so với năm ngoái. XK tôm sú chiếm 32,6% với 963 triệu USD, giảm 30,5%.

Giá trị XK tôm giảm mạnh nhất trong cơ cấu sản phẩm thủy sản XK 25,3%, đạt 2,95 tỷ USD và chiếm 44%.

Theo đánh giá, năm 2014, sự thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) lan rộng khiến cho sản xuất tôm của nhiều nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hai nguồn cung tôm lớn trên thế giới là Thái Lan và Trung Quốc. Sản lượng tôm trong nước tăng mạnh, giá tôm trên thị trường thế giới cao là cơ hội lớn cho các DN XK tôm Việt Nam có một năm thắng lợi. 

Tuy nhiên, năm 2015, tình hình đảo ngược, giá XK giảm và thấp, tôm Việt Nam không thể cạnh tranh về giá nổi với tôm Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc hay Indonesia. Giá tôm nguyên liệu trong nước nhiều tháng cao hơn cả giá tôm XK. Năm 2015, Việt Nam còn là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Ấn Độ chỉ sau thị trường Mỹ.

Tương tự như mặt hàng tôm, năm 2015, giá trị XK cá tra đạt 1,56 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước. DN XK cá tra Việt Nam vừa trải qua một năm nhiều khó khăn và thăng trầm tại hầu hết các thị trường XK chính. Trong đó, có thị trường lớn nhất Mỹ, chiếm 20,2% tổng giá trị XK.

Theo Vasep, ngay từ đầu năm, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10), giai đoạn từ ngày 1/8/2012 đến 31/7/2013 đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh NK từ Việt Nam. Mặc dù, các DN Việt Nam đã đưa ra nhiều lập luận để thuyết phục, tuy nhiên DOC vẫn đưa ra mức thuế thiếu công bằng và bất hợp lý với mức thuế gần 1 USD/kg. 

Ngày 14/9/2015, DOC ra phán quyết sơ bộ mức thuế CBPG lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra philê đông lạnh của VN vào thị trường này trong giai đoạn 1/8/2013 đến 31/7/2014. Theo đó, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc là HUNG VUONG CORP và TAFISHCO lần lượt là 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg. 16 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế là 0,6 USD/kg. 

 

Vừa khó đưa hàng vào Mỹ vì thuế CBPG lại chịu sự cạnh tranh gay gắt từ cá rô phi Trung Quốc, ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) lại thông báo về việc quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá Tra NK vào Mỹ. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 (90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang). Mốc thời gian có hiệu lực cũng là thời điểm bắt đầu giai đoạn chuyển đổi 18 tháng đối với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Quyết định này được đưa ra và có hiệu lực trong thời gian quá gấp đang gây hoang mang cho các DN XK cá tra sang thị trường Mỹ. 

Hứa hẹn sẽ khởi sắc

Theo nhận định của Vasep, với những dư âm khó khăn từ năm cũ 2015 tại nhiều thị trường NK lớn. Tuy nhiên, năm 2016 các DN XK thủy sản vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi hơn nhờ những hiệp định thương mại đã được ký kết. Đây là hi vọng của nhiều DN XK trong năm mới bên cạnh những rào cản kỹ thuật thương mại đang được giăng ra tại các thị trường lớn sau FTA hay TPP.

Trước đó, ngày 4/02/2016, đại diện của 12 quốc gia đã chính thức ký kết thỏa thuận Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand. Sự kiện này đánh dấu kết thúc quá trình đàm phán hơn 5 năm và mở đầu cho giai đoạn phê chuẩn tại quốc hội từng nước. Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất trong khu vực, tiếp đó là đến Malaysia.

Trong khi đó, đến năm 2018,  Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể có hiệu lực ngay từ đầu năm. EVFTA được xem là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

 

Đối với các nhóm hàng quan trọng, cam kết của EU đối với mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) là xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo