Xuất khẩu thủy sản quý I/2015 sụt giảm sâu nhất trong vòng 5 năm
Xuất khẩu thủy sản quý I/2015 có mức sụt giảm sâu nhất trong vòng 5 năm qua, giảm khoảng 23% ở các thị trường lớn Mỹ, Nhật Bản, Úc. Riêng mặt hàng tôm giảm 30%, cá tra 10,4% và cá ngừ 4%.
Theo Tổng cục Thủy sản, quý I/2015, ước tổng sản lượng thủy sản đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 3,2% so với quý I/2014. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 711 nghìn tấn, tăng 3,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 512 nghìn tấn tăng 2,8%.
Sản lượng thủy sản tăng là do quý I/2015, thời tiết tương đối thuận lợi, lại là thời điểm khai thác chính của vụ cá Bắc, cùng với giá dầu ổn định ở mức thấp, giá sản phẩm ở mức tương đối cao tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển.
Riêng sản lượng khai thác trong tháng 3/2015 đạt 250 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2014. Đưa tổng sản lượng khai thác 3 tháng đầu năm 2015 đạt 711 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2014.
Nuôi trồng thủy sản hiện tượng tôm chết, trong đó tỉnh Trà Vinh có tới 16% diện tích thả nuôi bị nhiễm bệnh được xác định là do bệnh đốm trắng, đỏ thân, gan tụy. Nuôi trồng thủy sản, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm làm môi trường nuôi thay đổi.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tiến độ thả giống tôm chân trắng chậm hơn so với kế hoạch dự kiến và so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương thả nuôi tôm chân trắng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ như tỉnh Sóc Trăng giảm 39,1%, Bạc Liêu 43,8%. Trong tháng 3, diện tích thả nuôi đạt 21.676 ha bao gồm 20.158 ha nuôi tôm sú và 1.518 ha tôm chân trắng, sản lượng thu hoạch 3.305 tấn, gồm 715 tấn tôm sú và 2.595 tấn tôm chân trắng.
Diện tích nuôi cá tra tính đến hết tháng 3/2015 đạt 2.108 ha, tăng 7,0% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 175.495 tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Giá cá tra có xu hướng giảm nhẹ từ đầu năm khoảng 6,8% so đối với cá tra nguyên liệu, 10% đối với cá tra giống.
Xuất khẩu thủy sản quý I/2015 có mức sụt giảm sâu nhất trong vòng 5 năm qua, giảm khoảng 23%, chủ yếu ở thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc. Riêng mặt hàng tôm giảm 30%, cá tra 10,4% và cá ngừ 4%.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, việc sụt giảm mặt hàng tôm của Việt Nam là do Ấn Độ hiện đang vào vụ thu hoạch tôm, sản lượng bán ra nhiều, song Ấn Độ không có cơ sở hạ tầng để trữ hàng, khiến giá tôm xuất khẩu giảm 2 USD/kg so với cuối năm ngoái. Do vậy, giai đoạn này các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam buộc phải trữ hàng, tránh thua lỗ.
Bên cạnh đó, biến động tỷ giá ngoại tệ cũng là bất lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Sự tăng giá mạnh của đồng USD so với một loạt các ngoại tệ khác như Euro, yên…khiến cho khách hàng tại các thị trường này hạn chế nhập khẩu hoặc tìm cách giảm giá mua.
Xuất khẩu sang hai thị trường chính EU và Nhật Bản vốn đã sụt giảm từ năm trước đến nay lại càng khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lựa chọn USD là đồng tiền thanh toán thương mại quốc tế cho các đơn hàng. Đồng USD tăng cao so với tiền tệ của các nước khác, trong khi tỷ giá USD/VND không đổi. Đây là một yếu tố ảnh hưởng gián tiếp tới lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất tôm Việt Nam so với các nước đối thủ như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia khi tỷ giá của nước họ đang được thả nổi.
Cùng với đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhưng 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tại thị trường này của Việt Nam giảm 44% ở hầu hết các mặt hàng. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Việt Nam chịu thuế chống bán phá giá ở mức cao, số lượng doanh nghiệp cũng sụt giảm.
Vasep đã kiến nghị về việc hỗ trợ năng lực tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thông qua các chính sách về vốn vay ngân hàng, chính sách giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
T. Hiền
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo