Xuất khẩu văn hóa - Nhìn từ hiện tượng Mai Văn Phấn
Nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng là câu chuyện liên quan đến văn hóa. Việc đưa các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài, biến văn hóa thành món ăn yêu thích cho thực khách quốc tế vốn là câu chuyện không dễ dàng. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Việt Nam tự hào là quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, trái cây và nhiều mặt hàng khác, mang về nhiều ngoại tệ làm giàu cho đất nước. Nhưng xuất khẩu các giá trị văn hóa nghệ thuật ra thế giới thì khác ở chỗ, việc thu được không chỉ là tiền, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Xuất khẩu văn hóa là giới thiệu cho thế giới một đời sống tinh thần Việt, một tâm hồn Việt, một trái tim Việt, cũng là mở thêm một cánh cửa để bạn bè thế giới hiểu thêm về Việt Nam.
Năm 2017, Mai Văn Phấn là gương mặt không thể không nhắc tới khi bàn về câu chuyện “xuất khẩu” văn hóa. Ông vừa vinh dự được nhận giải thưởng văn học Cikada- một giải thưởng uy tín của Thụy Điển. Cikada là giải thưởng văn học được sáng lập để vinh danh nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson- chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học 1974 với ý nghĩa “ghi nhận những đóng góp thông qua các vần thơ ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống”. Mai Văn Phấn là nhà thơ Việt Nam thứ 2 được nhận giải thưởng văn học này, sau nhà thơ Ý Nhi được trao năm 2015.
Việc nhận giải thưởng thi ca quốc tế là một sự ghi nhận cho những đóng góp của nhà thơ Mai Văn Phấn đối với thơ ca không chỉ trong nước mà cả trong khu vực cũng như thế giới. Những ai theo dõi đời sống văn học trong nước những năm qua, theo dõi hành trình của một nhà thơ Việt Nam nỗ lực giới thiệu mình ra thế giới như Mai Văn Phấn, sẽ thấy rằng, giải thưởng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Việc tác phẩm của một nhà thơ đến được với công chúng quốc tế, ngoài việc “hữu xạ tự nhiên hương” còn phải nói đến tính chủ động của người sáng tạo. Hay nói khác đi, người sáng tạo chính là người góp phần đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng.
Mai Văn Phấn là một người theo học Tiếng Nga từ nhỏ, từng tu nghiệp tại Nga. Ông làm thơ nhưng công việc chính để nuôi sống mình lại là công việc liên quan đến ngành Hải quan. Ông giỏi Tiếng Nga nhưng không quên học Tiếng Anh vì ông hiểu rằng, muốn bước ra thế giới hiện đại, phải biết sử dụng Tiếng Anh. Làm thơ cho bạn đọc trong nước đã đành, nhưng Mai Văn Phấn cũng luôn đặt câu hỏi cho chính mình, là làm thế nào để đưa thi ca đến với nhiều bạn đọc hơn, nhất là bạn đọc nước ngoài, để họ hiểu hơn về văn hóa Việt, thi ca Việt. Ông kể: “Năm 2011 tôi may mắn được gặp dịch giả Trần Nghi Hoàng- nhà thơ, dịch giả định cư ở Hoa Kỳ. Anh Hoàng đọc tập thơ “Bầu trời không mái che” của tôi và thấy thích. Tôi trân trọng mời nhà thơ Trần Nghi Hoàng dịch cuốn này sang Tiếng Anh. Khi dịch xong, anh Hoàng có chuyển cho GS. Frederick Turner, người khai sáng ra chủ nghĩa cổ điển tự nhiên, ông đã biên tập và nhận xét tập thơ có vẻ đẹp đặc biệt. Từ bản dịch của Trần Nghi Hoàng, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã in cuốn “Bầu trời không mai che - Firmament Without Roof Cover” song ngữ Việt-Anh vào năm 2012 phát hành trong nước. Sau thời gian phát hành, tôi vô tình nhận được thư của nhà thơ người Anh Susan Blanshard, đại diện cho Nhà xuất bản Page Addie Press ở Anh Quốc. Susan viết, bà ấy đã đọc tập thơ của tôi qua bản tiếng Anh và rất thích. Bà ấy ngỏ ý muốn kinh doanh tập sách này, bằng cách ấn hành bản tiếng Anh ở Nhà xuất bản nơi bà ấy làm việc. Sách được xuất bản ở hai dạng, bản in giấy và bản điện tử. Bản giấy sẽ có giá bán là 9USD/ cuốn, và bản điện tử (bán trên trang mạng phát hành sách của Amazon) sẽ có giá là 7,5USD/ bản. Cả hai dạng xuất bản tôi được hưởng nhuận bút 10% tính theo giá bìa. Nhà xuất bản sẽ độc quyền phát hành cuốn sách của tôi trong vòng 5 năm. Dĩ nhiên tôi đồng ý. Vì đây là một cơ hội để tác phẩm của tôi đến được với đông đảo độc giả quốc tế”.
Như vậy, từ việc chủ động tìm dịch giả dịch sách của mình ra Tiếng Anh, chủ động in sách song ngữ, thơ của Mai Văn Phấn đã có một cuộc “vượt qua biên giới” ngoạn mục. Nhờ bản in bằng Tiếng Anh mà ông được nhiều độc giả, nhiều nhà phê bình quốc tế chú ý. Và rồi các đơn vị kinh doanh sách quốc tế đã tìm đến ông, hợp tác cùng ông. Kết quả của cuộc hợp tác này ngoài sức tưởng tượng của Mai Văn Phấn, khiến cho không chỉ ông mà rất nhiều người cầm bút trong nước ngỡ ngàng. Lần đầu tiên, một tác giả Việt Nam có sách lọt vào top 100 cuốn bán chạy nhất trên trang kinh doanh sách trên mạng nổi tiếng Amazon, chỉ sau khi Nhà xuất bản Page Addie Press phát hành 3 tháng.
Sau thành công của cuốn sách đầu tiên hợp tác với Mai Văn Phấn, Nhà xuất bản Page Addie Press tiếp tục đề nghị in những cuốn sách khác của ông. Mai Văn Phấn chủ động giới thiệu một số dịch giả Tiếng Anh cho họ. 2 cuốn tiếp theo của Mai Văn Phấn là “Những hạt giống của đêm và ngày - Seeds of Night and Day”, “Ra vườn chùa xem cắt cỏ - Grass Cutting in a Temple Garden” do dịch giả Lê Đình Nhất- Lang dịch và cuốn “Buông tay cho trời rạng - Out of the Dark” do dịch giả Nguyễn Tiến Văn dịch đều được in và bán theo hình thức như cuốn đầu tiên. Đến thời điểm tháng 6/2014, nhà thơ Mai Văn Phấn có thêm 3 tập thơ vào top 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất trên Amazon, gồm: 2 tập thơ song ngữ Việt - Anh (“Ra vườn chùa xem cắt cỏ / Grass Cutting in a Temple Garden”; “Những hạt giống của đêm và ngày / Seeds of Night and Day”) và 1 tập thơ song ngữ Việt - Pháp (“Bầu trời không mái che / A Ciel Ouvert”).
Nói về việc in thơ ở trong nước, các nhà thơ của ta thường tự bỏ tiền in thơ là chính. In xong thì chủ yếu là để tặng bạn bè cho vui, số lượng sách bán được chẳng đáng là bao. Chỉ một số rất ít tác giả may mắn được một Nhà xuất bản hay một đơn vị làm sách nào đó mua bản quyền kinh doanh cuốn sách và trả tiền nhuận bút theo quy định. Thường là số lượng bản in không vượt quá 1000 bản cho một cuốn. Số tiền mà tác giả nhận được là 10% giá bìa, không đủ để mua sách tặng bạn bè. Nhưng với việc “xuất khẩu” thơ ra thị trường quốc tế, sách lại lọt vào top những cuốn bán chạy nhất trên một trang mạng uy tín, Mai Văn Phấn không chỉ được độc giả nước ngoài biết đến mà quan trọng không kém là “ấm túi” hơn. Ông không tiết lộ chính xác số tiền nhuận bút được nhận sau những lần in sách ở nước ngoài, nhưng chắc chắn là cao hơn tiền nhuận bút in sách trong nước nhiều lần, “đủ để mua bộ comple đẹp và mở tiệc thế đãi bạn bè”. Ngày cuối cùng của tháng 12 hàng năm, tiền nhuận bút được chiết khấu từ số lượng sách bán được ra thị trường sẽ tự động chuyển vào tài khoản cá nhân của nhà thơ.
“Xuất khẩu” thơ ca ra thế giới, làm việc với các đơn vị làm sách nước ngoài, thì nhà thơ cũng phải tự “chuyên nghiệp hóa” mình lên. Mai Văn Phấn nói, ông học được rất nhiều khi làm việc với các nhà xuất bản ở Anh hay ở Pháp. “Phải nói là tôi có nhiều ngạc nhiên khi làm việc với một đơn vị làm sách quốc tế. Khi sách của tôi chuẩn bị được phát hành họ đã làm công tác quảng cáo rất mạnh mẽ. Đầu tiên họ gửi email thông báo cho tôi, sau đó mỗi ngày lại liên tục gửi thông tin liên quan đến cuốn sách để tôi đưa lên các tài khoản mạng. Họ yêu cầu tôi phải có các tài khoản facebook, zalo, twitter, website riêng và tất cả phải được link với nhau. Từ một người khá là mù mờ về mạng xã hội, tôi đã trở thành một người sử dụng mạng thành thục như hôm nay, là nhờ công việc kết nối, in sách ở nhà xuất bản nước ngoài. Tôi cũng được mở mang đầu óc hơn về câu chuyện bản quyền. Có rất nhiều thứ tôi phải học hỏi, phải rút kinh nghiệm, phải nghiêm túc thực hiện. Vì tôi đã bán bản quyền sách của mình cho họ kinh doanh trong 5 năm, nên tôi không thể ứng xử với sách của mình theo kiểu thích gì làm nấy. Khi tôi đưa bất kỳ một thông tin nào, một hình ảnh nào lên mạng xã hội liên quan đến cuốn sách đã nhượng bản quyền, liên quan đến đơn vị xuất bản, tôi đều phải hỏi ý kiến họ. Họ nói, nếu hình ảnh bản quyền của họ mà phía họ chưa đồng ý tôi đã đưa lên trang của tôi thì tôi sẽ phải trả tiền bản quyền cho họ theo luật”.Nghĩa là khi bước chân vào thị trường sách quốc tế, nhà thơ phải hiểu luật chơi, không được mang tư duy ấu trĩ “ao nhà” áp dụng vào, anh sẽ “ăn đòn” ngay. Từ câu chuyện hợp tác với đơn vị xuất bản quốc tế, Mai Văn Phấn hiểu thêm một điều rằng, một người làm thơ chuyên nghiệp là một người không chỉ có kiến thức sâu rộng về thi ca trong nước và thế giới, mà còn là một người hiểu biết về thị trường, không xa lạ với các hình thức xuất bản, phát hành, biết tự kết nối mình gần gũi thêm với công chúng.
Ở Việt Nam, tâm lý của người sáng tạo vẫn còn e dè, thụ động. Phần lớn cho rằng nhiệm vụ của họ là tạo ra tác phẩm. Còn “đứa con” đó bước ra đời sống thế nào, nó sống lâu hay yểu mệnh là do số phận của chính nó, họ không quan tâm nhiều. Rất nhiều tác phẩm có chất lượng nằm trong bóng tối nhiều năm, bởi vì thiếu sự chủ động của tác giả, không có sự quan tâm của truyền thông, công chúng. Đồng ý rằng một tác phẩm nghệ thuật khác với một sản phẩm hàng hóa thông thường. Đầu tiên nó phải được sáng tạo ra từ những nghệ sĩ tài năng, nó phải đủ sâu sắc để làm rung cảm trái tim người thưởng thức, nó phải mang đến những thông điệp đáng giá về cuộc sống, về thời đại.Và nó sẽ còn mãi nếu nó là giá trị thật. Nhưng những cái hay cái đẹp đó nếu cộng với một thái độ tích cực của những người có liên quan, như tác giả, dịch giả, đơn vị in ấn, truyền thông thì nó sẽ có sức lan tỏa lớn trong đời sống. Còn nếu nó nằm trong bóng tối, với niềm tin đợi một ngày nào đó sẽ tỏa sáng thì e rằng đó là một sự lãng phí, một sự ấu trĩ không cần thiết.
Cho đến nay, tác phẩm của Mai Văn Phấn đã được dịch ra 24 ngôn ngữ, trong đó có những ngôn ngữ mà chính ông cũng không biết vì số lượng người sử dụng ít như tiếng tiếng hindi, tiếng Ne-pan, tiếng Montenegro…Tất cả là do hiệu ứng ban đầu từ những bản dịch Tiếng Anh, Tiếng Pháp. Khi sách được in bằng những ngôn ngữ thông dụng nhất, lại trở thành sách best seller nằm trong các bảng xếp hạng, thì việc nó tiếp tục được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau là điều dễ hiểu. Giống như sự lan tỏa hương thơm của một loài hoa mà “người làm vườn” không thể nào kiểm soát hết. Nhưng công của “người làm vườn” chính là đã gieo hạt, đã chăm chút, đã đưa cây trái của mình ra trước gió một cách chủ động, để hương thơm của nó đến được với thế giới bao la. Giống như Mai Văn Phấn, từ cuốn sách đầu tiên đã chủ động nhờ dịch giả uy tín dịch ra Tiếng Anh, chủ động in sách của mình bằng song ngữ. Ông là người đã chủ động “mở cánh cửa thơ” của mình, cho thơ ca một cơ hội bước ra thế giới. Và trong một “chuyến đi của Thơ” tạo ra nhiều hiệu ứng tốt đẹp như vậy, niềm vui đầu tiên thuộc về tác giả, nhà thơ Mai Văn Phấn. Nhưng ở một nghĩa khác, đó cũng chính là tín hiệu tốt lành, là niềm vui, là niềm tự hào của văn chương Việt, của văn hóa Việt. Càng có nhiều cú “xuất khẩu văn hóa” ngoạn mục như vậy, hình ảnh của Việt Nam càng trở nên hương sắc hơn, giàu có hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo