Xã hội

Xúc động cơm trắng 3.000 đồng cho người nghèo Sài Gòn

"Phố cơm trắng" là nơi nhiều lao động nghèo ở Sài Gòn thường lui tới để mua một suất cơm chỉ với 3.000 đồng để ăn no và rẻ.

Từ nhiều năm nay, trên dọc tuyến đường Nguyễn Thông, Nguyễn Phúc Nguyên (gần ga Sài Gòn) xuất hiện nhiều bảng hiệu bán cơm trắng treo dọc hai bên đường, hoạt động nhộn nhịp, theo tin tức trên báo Thanh niên. 

Mỗi suất cơm trắng chỉ từ 2.000-3.000 đồng. Ảnh báo Trí thức trẻ. 

Theo người dân, khu vực gần ga Sài Gòn có rất đông những người từ tỉnh lẻ tha phương lên thành phố làm ăn. Trong đó, chủ yếu làm các nghề như bán vé số, mua ve chai và chạy xe ôm. Với họ, vào quán ăn một bữa cơm 20.000 đồng là điều xa xỉ.

Trước nhu cầu thực tế đó, những tiệm nấu và bán cơm trắng bắt đầu mọc lên, tạo thành tuyến phố quen thuộc được người lao động nghèo tìm đến hàng ngày.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (44 tuổi) chủ tiệm cơm trắng 149 Nguyễn Thông từng có kinh nghiệm bán cơm trắng 16 năm qua cho biết, trước đây gia đình chị bán gạo. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu, thấy nhu cầu mua cơm không của người lao động có thu nhập thấp tăng cao. Những quán cơm khác trên địa bàn không bán hoặc bán với giá rất đắt. Từ đó, chị chuyển bán gạo sang nấu cơm không.

Chị Nga cho biết người đến mua cơm chủ yếu làm nghề xe ôm, mua ve chai, bán vé số. Ảnh báo Thanh niên. 

“Lúc mới bán, khách đến quán mua cơm thưa thớt lắm, một ngày nấu hơn 20 kg gạo vẫn còn. Nhưng thời gian sau, mọi người truyền tai nhau và đến mua ngày càng đông hơn. Một số người buôn bán mặt hàng khác thấy vậy cũng chuyển qua nấu cơm bán và gọi là phố cơm trắng đến bây giờ”, chị Nga nói.

Những người đến đây thường mua nhiều giá khác nhau, dao động từ 3.000 – 20.000 đồng. Trong đó, nhiều cửa hàng bán cơm bình dân cũng đến mua lại cơm trắng từ 20 - 30 kg, với giá 10.000 đồng/kg.

 

Nơi đây tập trung nhiều người lao động đủ ngành nghề, từ công nhân, xe ôm, người bán báo cho đến thợ đánh giày… nhu cầu ăn uống của họ cũng khá đơn giản, chủ yếu cho no cái bụng, đủ sức làm việc mà không cần màu mè thức ăn, gia vị, đôi khi chỉ cần một ít cơm trắng, dưa, cà muối cũng qua một ngày, báo Trí thức trẻ đưa tin. 

Bác Nguyễn Hoài Thanh vừa cầm trên tay túi cơm trắng vừa chia sẻ: “Tôi bán vé số cũng được hơn 7 năm, mỗi ngày tiền lãi chưa tới 100.000 đồng. Tôi hay mua cơm không ở đây về ăn với mắm cho qua ngày, không cần cao lương mỹ vị gì, phải tiết kiệm tiền để còn lo cho gia đình”.

Chị Hồng cũng là một người bán cơm ở đây. Mỗi ngày chị phải dậy từ 4 đến 5 giờ sáng, cùng chồng loay hoay chuẩn bị gạo nấu nướng rồi hì hục đẩy xe ra bán ở gần ga Sài Gòn cho đến tối muộn. “Bán được nhất là từ 9h sáng đến giữa trưa. Vì những người lao động nghèo ít ăn bữa sáng, họ chỉ ăn bữa trưa cho no để có sức làm tới chiều tối”, chị cho hay.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Thanh niên, Trí thức trẻ)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo