Xung đột đẩy chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng trở lại
SIPRI cho rằng, các cuộc xung đột, trong đó có cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cuộc chiến tại Yemen do Ả Rập Saudi đứng đầu, cũng như những lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran đã đẩy chi tiêu quốc phòng gia tăng.
Nghiên cứu của SIPRI cho thấy, việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông và Nga sáp nhập Crimea cũng khiến chi tiêu tiêu quốc phòng tăng nhẹ 1% so với năm 2014.
Đối với các hãng sản xuất vũ khí, tốc độ không kích không ngừng nghỉ nhằm vào các tay súng IS tại Iraq và Syria, cũng như chiến dịch ném bom nhằm vào lực lượng nổi dậy người Shiite của Yemen và lực lượng đồng minh, đã giúp họ thu được hàng tỷ đô la từ các hợp đồng vũ khí.
Theo cáo cáo của SIPRI, Mỹ - với 595 tỷ USD trong chi tiêu quốc phòng, và Trung Quốc - với khoảng 215 tỷ USD chi tiêu quốc phòng, đã dẫn đầu tất cả các quốc gia trong năm 2015. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi đứng ở vị trí thứ bai với mức chi tiêu lên tới 87,2 tỷ USD - tức là gấp đôi mức chi tiêu ghi nhận trong năm 2006. Con số này đã khiến chi tiêu quân sự toàn cầu tăng lần đầu tiên kể từ năm 2011. Trong khi đó, Nga đứng ở vị trí thứ tư với mức chi 66,4 tỉ USD.
Báo cáo của SIPRI cho hay, trong giai đoạn 10 năm 2006-2015, ngân sách quân sự của Mỹ giảm 4%, trong khi Trung Quốc tăng 132%. Mức tăng của Ả Rập Saudi và Nga cũng đáng kể, lần lượt là 97% và 91%.
Pháp, nước có mức chi tiêu quân sự lớn thứ 5 trong 2014, rơi xuống vị trí thứ 7, sau Anh và Ấn Độ. Ở khắp Tây Âu, ngân sách chi tiêu quân sự tiếp tục giảm, dù mức giảm thấp hơn trong những năm gần đây.
Theo SIPRI, Iraq đã chi 13,1 tỷ USD cho lĩnh vực quân sự trong năm ngoái, tăng trên 500% so với năm 2006, trong bối cảnh Iraq tái xây dựng lực lượng vũ trang sau khi Mỹ rút quân và sự trỗi dậy của IS.
Tại châu Á, các nước cũng tăng đầu tư cho quân sự là Indonesia, Philippines, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên gia tăng.
SIPRI cho biết, tổng chi tiêu ngân sách quốc phòng toàn cầu năm 2015 chiếm 2,3% tổng giá trị sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu và chỉ cần 10% tổng chi tiêu quốc phòng thế giới là đủ gây quỹ cho những chương trình của Liên Hiệp Quốc để từ nay đến năm 2030 có thể chấm dứt tình trạng nghèo đói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo