Ý kiến chuyên gia về giải pháp cứu doanh nghiệp
TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
Tránh xin – cho như gói kích cầu 2009
Gói giải pháp mà bộ Tài chính đề xuất, theo tôi là giải pháp tích cực, nhưng tích cực cho doanh nghiệp còn thở, tức là còn sức khoẻ. Tôi cũng lưu ý về kinh nghiệm từ gói kích cầu thực hiện năm 2009 là cần: tránh cơ chế “xin – cho”, và phải công khai minh bạch.
Để cứu các doanh nghiệp hiện nay, theo tôi có hai cái cần làm ngay: một là cần thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng và mua bán nợ.
Như tôi nói, giải pháp về thuế chỉ giải quyết cho những doanh nghiệp nào sức khoẻ thật sự tốt, nhưng giờ cái “chết” của doanh nghiệp là hàng tồn kho nhiều quá; nợ kéo dài, không vay được nên cần Nhà nước mua lại nợ, bảo lãnh nợ để doanh nghiệp có thể vay được vốn mà tiếp tục sản xuất.
Thứ hai, phải có biện pháp kích cầu hàng tồn kho cho doanh nghiệp. Như với doanh nghiệp thép, ximăng thì dùng nó làm nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, dùng làm đường giao thông nông thôn…
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia viện Khoa học thị trường giá cả:
Cần tác động vào giá
Với quy mô lên đến hơn 1 tỉ USD, dù không bằng gói kích cầu quy mô 9 – 10 tỉ USD của năm 2009, nhưng rõ ràng gói này cũng sẽ có hiệu ứng tích cực với các doanh nghiệp. Chỉ có điều, quan trọng là cơ chế triển khai thế nào, cơ chế giám sát làm sao để nó thực sự đạt hiệu quả cao nhất, tránh bài học của gói kích cầu 2009.
Theo tôi, hiện nay, giải pháp cần làm là giúp doanh nghiệp giảm hàng tồn kho.
Để làm được điều này thì một là tăng khả năng thanh toán, tăng tiền thu nhập cho người ta để người ta tiêu dùng, đồng thời cải thiện tâm lý của người tiêu dùng vì có thể người tiêu dùng tăng tiền nhưng lại không tiêu dùng, mà lại siết chặt chi tiêu.
Hai là tìm xem tại sao người ta không tăng tiêu dùng? Một trong những nguyên nhân đó là do giá, nên giờ là phải tác động vào giá.
Có nhiều cách để tác động vào giá nhưng cách mà Chính phủ có thể làm được ngay một cách cơ bản là giảm thuế gián thu, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng là quan trọng nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán hàng.
Thứ hai, Việt Nam ta có cái khác với các nước là chính sách giá, đối với các vật liệu cơ bản: xem xét quá trình điều chỉnh giá, đừng để nó lại kích giá thành hay hạn chế chi tiêu.
Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên:
Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp nỗ lực
Đối với doanh nghiệp, có hai vế: một là đầu vào, liên quan đến lãi suất thì chúng ta đang cố gắng kéo xuống.
Tuy nhiên, hiện nay giới hạn trần huy động tác động đến trần cho vay rất chậm, nên có lẽ chúng ta phải tính đến chuyện khống chế trần cho vay, hoặc là tự do hoá lãi suất.
Thứ hai, hiện nay bí hơn, là đầu ra cho doanh nghiệp: tiêu thụ hàng chậm trong khi nợ xấu tăng, ngân hàng không cho doanh nghiệp vay nữa.
Do vậy, Nhà nước có thể bảo lãnh cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp tục vay vốn. Với các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh cần có sự hỗ trợ trong chính sách thuế, hiện nay bộ Tài chính đang xây dựng và triển khai. Thứ ba, chúng ta cần chú ý đến thị trường nước ngoài để mở kênh tiêu thụ.
Nhà nước phải tiếp thị, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp. Nhưng chúng ta cũng đừng kỳ vọng tất cả các doanh nghiệp đều “sống” mà có thể có doanh nghiệp phải “hy sinh”.
Một mặt Nhà nước có chính sách hỗ trợ, song bản thân doanh nghiệp cũng phải cố gắng hết sức để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 19/1/2025: Đồng loạt giảm mạnh
EXPO 2025: Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với thế giới
Giá ngoại tệ ngày 19/1/2025: USD giảm sau chuỗi tăng dài
Giá nông sản ngày 19/1/2025: Cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu ổn định
Xu hướng văn phòng 'xanh' cao cấp
Giá heo hơi ngày 19/1/2025: Tiếp tục có biến động nhẹ