Ý nghĩa tục lệ thả cá chép ngày Tết ông Công ông Táo
Theo truyền thuyết kể lại rằng: "Hàng năm, Táo quân được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện - ác của loài người.
Sau đó, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người".
Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình. Bởi thế, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép.
Người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem "phóng sinh" ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Ngoài ra, tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt.
Thả cá như thế nào cho đúng cách?
Thả cá chép ngày Tết ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa tâm linh, mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi ngoài tự nhiên. Chính vì vậy mà việc thả cá chép phải được tiến hành đúng cách và khi thả phải nhẹ nhàng để tránh va chạm mạnh làm cá chết.
Tuyệt đối không được thả cả túi nilong vì cá không thoát ra để kiếm ăn thì sẽ không sống sót, như vậy không thể gọi là phóng sinh.
Hơn nữa, túi nilong còn gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, mỗi người trong chúng ta hãy thật sự có ý thức khi thực hiện những phong tục cổ truyền để những phong tục này thực sự đẹp, ý nghĩa và mãi lưu truyền.
End of content
Không có tin nào tiếp theo