Xã hội

Y tế xin tiền, thiết bị đắp chiếu, bệnh viện bỏ hoang

Trong khi ngành y tế than thiếu tiền thì hàng loạt các thiết bị y tế phải đắp chiếu, bệnh viện 5 sao bỏ hoang....

Nhập thiết bị quá đát, máy móc tiền tỉ đắp chiếu

 Thông tin mới đây cho biết hàng loạt thiết bị y tế quá đát được nhập vào Việt Nam bị bắt giữ. 
 
Theo đó, lô hàng trên được xác định là của Công ty TNHH Kĩ thuật Thiết bị Y tế Bảo Trâm (Công ty Bảo Trâm, ở số 19, 180/2, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội). 
 
Máy thở đa năng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công (Tiền Giang) “trùm mền” mấy năm nay. (Ảnh: TTO)
 
Điều đáng nói, số lô hàng trên được dán mác nhập khẩu mới 100%, song khi kiểm tra thì cơ quan chức năng lại phát hiện toàn bộ máy soi dạ dày, máy scan X quang xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico, đã bị thải loại, do không còn giá trị sử dụng, thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
 
Thông tin mới nhất cho biết, công ty đứng tên nhập thiết bị này chỉ là công ty "ma" và lãnh đạo công ty này đã bỏ trốn. 
 
Không nhập thiết bị quá đát, nhưng các thiết bị y tế tiền tỉ tại nhiều bệnh viện lớn lại đang rơi vào tình trạng hỏng hóc, đắp chiếu không sử dụng được. 
 
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công (Tiền Giang) theo phản ánh của độc giả báo Tuổi trẻ, hiện có ba thiết bị y tế “trùm mền”. Đó là máy thở đa năng hiệu Respironics do Mỹ sản xuất sử dụng năm 2009, máy siêu âm trắng đen Mindray do Trung Quốc sản xuất sử dụng từ năm 2008, máy X-quang di động hiệu MBI do Ý sản xuất được sử dụng vài lần trong năm 2010 rồi xếp xó đến nay.
 
Ngoài ra, trước đó bệnh viện cũng có máy siêu âm Doppler màu ATL do Mỹ sản xuất (sử dụng từ năm 1998), trị giá gần 1 tỉ đồng. Tuy nhiên chỉ sử dụng một thời gian ngắn thì máy bị mất phần mềm, cài lại ba lần vẫn không chạy được... nên chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy.
 
Theo tìm hiểu, máy thở đa năng có giá hơn 357 triệu đồng, mua sắm từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Máy siêu âm màu có giá hơn 915 triệu đồng. Máy siêu âm trắng đen giá 99 triệu đồng. Còn máy X-quang di động được cấp từ dự án phòng chống cúm VAHIP, chưa rõ giá.
 
Sở Y tế Tiền Giang giải thích, một số máy móc vẫn sử dụng được, một số do hỏng hóc sửa chữa nhiều lần không được nên coi như bỏ. 
 
Ngoài ra, tình trạng này cũng xảy ra tại bệnh viện huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), có 3 máy hút dịch, 1 máy tạo ôxy, 1 máy thở có chức năng gây mê, 1 máy thở Acoma, 1 máy điện tâm đồ. Song trong đó, máy gây mê được trang bị 4 năm nay theo Đề án 225 nhưng chưa sử dụng đến.
 
Máy điện tâm đồ được Sở Y tế Yên Bái đầu tư khoảng 4-5 năm nay nhưng cũng bị cho “ngủ đông” vì không ai biết sử dụng.
 
Ngay cả 26 máy thở, 3 máy lọc máu được trang bị cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư mới năm 2003, tới nay hầu hết cũng bị hỏng.
 
Xin tiền, tăng viện phí, bệnh viện bỏ hoang
 
Mặc dù hàng loạt thiết bị đắp chiếu, hỏng hóc không sử dụng được nhưng trước đó ngành y tế vẫn than thiếu 7.500 tỷ. 
 
Trong đó, khối y tế là 4.500 tỷ đồng, đào tạo là 1.500 tỷ đồng, và khoa học công nghệ là 1.000 tỷ đồng.
 
Cùng với đó, ngành y tế liên tục xin tăng viện phí, đi đầu là Hà Nội,TP.HCM và mới đây Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý lộ trình tăng viện phí do Bộ Y tế xây dựng, trình Chính phủ.
 
Theo dự kiến của Bộ Y tế, lộ trình năm 2014 sẽ tiếp tục tăng viện phí tại khu vực điều trị. Thu viện phí theo hướng đủ 7/7 yếu tố cấu thành, trong đó có tiền lương, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật...
 
Khi đề xuất tăng viện phí, Bộ Y tế đã đưa ra 5 lý do, trong đó nhấn mạnh vào lý do khung giá cũ đã quá lạc hậu, không theo kịp chỉ số tiêu dùng. Ngân sách không đủ để chi trả tiền lương, nếu không điều chỉnh viện phí thì bệnh viện không có tiền duy trì hoạt động, mua sắm các trang thiết bị cần thiết, hạn chế quyền lợi của người bệnh.
 
Lý do là vậy nhưng thực tế lại cho thấy có rất nhiều những bệnh viện được xây dựng hạng sao đang bị bỏ hoang.
 
Được quảng cáo là bệnh viện đạt tiêu chuẩn 5 sao, có sân bay trực thăng, và đã xây xong 12 tầng nhà, một số hạng muc, thiết bị cũng đã được hoàn thiện nhưng lại bị bỏ hoang từ năm 2011 tới nay mặc cho cỏ mọc lút đầu, tường nhà ẩm mốc. Đó là tình trạng hoang hóa của bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đang được xây dở dang.
 
Chung tình trạng này là Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Jút (Đăk Nông) có quy mô 150 giường bệnh, số vốn lên đến 116 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bị bỏ hoang đã 3 năm nay. Trong khi cách đó chưa đầy 1km, Bệnh viện Đa khoa Cư Jút cũ lại đang bị xuống cấp trầm trọng và luôn trong tình trạng quá tải. 
 
Bệnh viện Bản Thi thuộc huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, dù được xây dựng khá khang trang, với nhiều thiết bị y tế được nhập khẩu từ Cộng hòa liên bang Đức nhưng khi hoàn thiện bệnh viện thì lại bị bỏ không.
 
Trước đó, lỗ hổng quản lý tài chính đã được bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã chỉ ra. Cụ thể trong việc quản lý thuốc, theo bà là giá thuốc trúng thầu luôn cao hơn thị trường. Năm 2012, Bộ Tài chính và Bộ Y tế có thông tư 01 thay đổi đấu thầu thuốc và bước đầu đã giảm được 20-30% giá trúng thầu và 10 mặt hàng thuốc có nhu cầu sử dụng lớn đã giảm 16-34%. 
 
Nếu cơ chế đấu thầu tốt, quản lý tốt thì giá thuốc còn giảm hơn nhiều. Điển hình như năm 2012, Bảo hiểm Y tế đã phải bỏ ra tới 25 nghìn tỷ để mua thuốc. Điều đó cũng cho thấy là khi áp dụng thông tư 01 thì đã giảm được hàng nghìn tỷ đồng.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo