Thị trường

Yên Bái ưu tiên kêu gọi đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Danh sách 30 dự án kêu gọi đầu tư vào TP. Yên Bái trong giai đoạn đến năm 2015 đã được công bố, với số lượng lớn các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cầu, đường, hạ tầng đô thị, cũng như các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

(dautu) Ông Nguyễn Lâm Thắng, Chủ tịch UBND TP. Yên Bái cho biết, thành phố đang cần cú huých từ cơ sở hạ tầng để chuẩn bị động lực phát triển cho giai đoạn tiếp theo, nhất là phát huy lợi thế trong sự phát triển của chuỗi đô thị Hà Nội - Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai.

“Đây là lý do Yên Bái đặt ưu tiên kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án trong hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và đầu tư hạ tầng”, ông Thắng nhấn mạnh.

Có thể kể tới Khu công nghiệp phía Nam với diện tích 207,8 ha. Hiện đã có 17 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 22,42%. Ông Thắng cho biết, UBND TP. Yên Bái sẽ tiếp tục mở rộng khu công nghiệp này để đạt quy mô 430 ha theo đúng quy hoạch và phấn đấu lấp đầy 75% diện tích.

Cùng với đó, Khu công nghiệp Âu Lâu có diện tích 120 ha cũng đã được hoàn thiện để phát triển với các dự án công nghiệp sạch vào các ngành may mặc, sản xuất da giày, lắp ráp điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp phụ trợ, thủ công mỹ nghệ...

Riêng Khu công nghiệp Minh Quân, nằm cạnh Quốc lộ 32C và sát gần sông Hồng với diện tích 112 ha, đang mời gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất chế biến nông lâm sản...

Ngoài ra, các cụm công nghiệp do thành phố quản lý, như Cụm công nghiệp Đầm Hồng (12 ha), Cụm Công nghiệp Âu Lâu (70 ha) cũng đang thu hút đầu tư lắp ráp ô tô xe máy, điện tử, da giày, vật liệu xây dựng; xây dựng các kho cảng trên địa bàn xã Âu Lâu... chế biến nông - lâm sản thực phẩm (dầu quế, miến đao, chè); chế biến gỗ (ván ghép thanh, ván sàn, đồ gỗ dân dụng); sản xuất vật liệu không nung.

Cũng phải nhấn mạnh, Yên Bái là một trong những trung tâm tiểu vùng của 14 tỉnh miền núi Trung du Bắc Bộ và trọng điểm kinh tế của 6 tỉnh vùng Tây Bắc. Mạng lưới giao thông của vùng khá thuận lợi, có cả đường sắt, đường bộ, đường thủy. Địa bàn này cũng là địa giới quan trọng trong đầu mối giao thông huyết mạch nối vùng Tây Bắc với Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Đông Bắc.

Đặc biệt, ông Thắng phân tích thêm, trong năm 2013, khi tuyến đường sắt liên vận quốc tế và đường cao tốc xuyên Á nối Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc) dự kiến hoàn thành, Yên Bái sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong giao thương phát triển kinh tế với các địa phương trong khu vực.

Đây là những lợi thế có thể khiến các nhà đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp cân nhắc chọn Yên Bái làm nơi đặt kế hoạch kinh doanh, để đón đầu nhiều cơ hội.

 

 

Khánh An

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo