Yêu nước, văn hóa và… kinh doanh
Đặt ba phạm trù khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau có vẻ như không ăn nhập, thậm chí là khập khiễng. Thế nhưng về sâu xa, chúng là mối quan hệ hết sức chặt chẽ và bền vững.
Yêu nước và văn hóa, tất nhiên là gắn bó với nhau rất chặt chẽ và quan hệ hữu cơ.
Bởi yêu nước chính là cái mở đầu và cũng là cái đích cao nhất của văn hóa.
Kiếm tiền (tất nhiên là đồng tiền chân chính) là hành động yêu nước. Điều này không khó chứng minh khi ngày ngày chúng ta bắt gặp trên đường những pano, áp phích “Đóng thuế là yêu nước”. Đóng thuế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chính là hành động yêu nước cao nhất của một doanh nhân. Một doanh nghiệp tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn lao động là hành động yêu nước. Một doanh nghiệp đóng thuế nhiều tỷ đồng để xây dựng đất nước là yêu nước.
Có lẽ không người Hoa Kỳ nào nói tỉ phú Bill Gates là người không yêu nước Mỹ. Không một người Nhật nào dám nói các chủ nhân của Toyota, Honda, Suzuki, Sanyo… là người không yêu đất nước Mặt trời mọc. Không chỉ là những người yêu nước, họ còn là những nhà ái quốc vì làm rạng danh cho đất nước họ. Hàng hóa của họ đi tới đâu là cờ của Tổ quốc họ bay đến đấy.
Mới đây, tại một buổi giao lưu của các doanh nhân trẻ với một số nhà văn, nhà thơ, người viết bài này đã đặt hai câu hỏi. Câu thứ nhất, có ai biết tên của nhà văn người Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel không? Câu trả lời là… không có một cánh tay nào giơ lên. Câu thứ hai, có ai từ trước đến nay không biết đến tên tuổi của Sony, Honda, Suzuki… không? Cũng không có ai là không biết đến những tên tuổi lớn này.
Nói như thế không có nghĩa là hạ thấp văn chương hay đề cao quá mức chuyện kinh doanh, nhưng một doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới, hàng hóa tỏa khắp năm châu thì ông chủ của nó không thể không là người yêu nước, thậm chí tình yêu của họ còn hướng đến tầm nhân loại.
Cách đây khá lâu, trong một bài báo của nhà báo Xuân Ba trên báo Tiền Phong có kể lại, khi một vị lãnh đạo cao cấp của ta hỏi ông chủ của hãng Hennessi rằng, ngài đã 85 tuổi, sao không nghỉ hưu để dưỡng già. Vị tỉ phú nổi tiếng này nhỏ nhẹ trả lời, ông làm còn để đóng thuế cho đất nước.
Đây có thể coi là tâm tư của một vĩ nhân.
Sức mạnh của một quốc gia giờ đây hình như không phụ thuộc nhiều vào dân số hay diện tích lãnh thổ như trước kia mà phụ thuộc vào ba yếu tố chính. Thứ nhất là tri thức, thứ hai là nền tài chính hùng mạnh và thứ ba là nền văn minh.
Điều này là chân lý: Một quốc gia tài giỏi thì luôn giàu có và một quốc gia giàu có thì khó có thể nói là không văn minh.
Vương quốc Thụy Sĩ nhỏ bé cả về diện tích và số dân nhưng không thể là quốc gia yếu kém, không văn minh vì họ tài giỏi và giàu có.
Gần Việt Nam là đất nước Singapore với diện tích gấp đôi đảo Cát Bà của Hải Phòng, dân số gấp rưỡi tỉnh Thanh Hóa, nhưng họ là một cường quốc trong khu vực. Tiếng nói của họ có trọng lượng không kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Suy cho cùng, làm giàu cho đất nước chính là văn hóa và là một trong các cung bực thể hiện tình yêu Tổ quốc cao nhất.
Văn hóa, lòng yêu nước và kinh doanh là ba phạm trù khăng khít và biện chứng.
Theo báo Công thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo