Zimbabwe "xóa sổ" đồng nội tệ, 35 triệu tỷ ZD đổi được 1 USD
Tiến trình loại bỏ đồng đô la Zimbabwe đã bắt đầu vào ngày 15/6 và sẽ kéo dài cho đến ngày 30/9.
Người dân có tài khỏan ngân hàng lên tới 175 triệu tỷ đô la Zimbabwe sẽ được nhận một khỏan tiền đồng hạng 5 USD. Với 250.000 tỷ đô la nội tệ phát hành vào năm 2008 sẽ đổi được 1 USD. Còn với những đồng nội tệ phát hành vào năm 2009, 250 ZD tương đương 1 USD.
Zimbabwe đã và đang sử dụng đồng bạc xanh của Mỹ kể từ năm 2009 - thời điểm việc sử dụng đồng đô la Zimbabwe bị hủy hoại. Một hệ thống đa tiền tệ đã được đưa vào hoạt động trong 6 năm qua, trong đó đồng rand Nam Phi và đồng đô la Mỹ được sử dụng kể từ năm 2009; còn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đô la Australia, Yên Nhật và đồng rupee của Ấn Độ được lưu hành vào năm 2014.
"Chúng tôi cần phải bảo vệ sự tòan vẹn của hệ thống đa tiền tệ hoặc đô la hóa tại Zimbabwe. Việc loại bỏ đồng nội tệ là một tiến trình quan trọng và cần thiết, mở đường cho việc sử dụng hệ thống đa tiền tệ", ông John Mangudya, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe cho biết.
Trong năm 2008, tỷ lệ lạm phát hàng tháng tại Zimbabwe chạm mức 3,5 triệu %, khiến 1 quả trứng có giá 50 tỷ đô la Zimbabwe, một ổ bánh mì có giá tương đương 12 chiếc xe ô tô mới trong 10 năm trước. Cứ 25 giờ trôi qua giá cả tăng gấp đôi, đẩy Zimbabwe rơi vào tình trạng siêu lạm phát tồi tệ thứ hai trong lịch sử, chỉ đứng sau Hungary. Cũng trong năm 2008, Zimbabwe đã in tiền giấy mệnh giá cao nhất 100 nghìn tỷ đô la - số tiền chỉ đủ để mua một vé xe buýt hàng tuần.
Tình trạng siêu lạm phát tại Zimbabwe trở nên phức tạp vào năm 2000 - thời điểm ông Robert Mugabe - người nắm giữ chức vụ Tổng thống Zimbabwe kể từ năm 1987 - đã thay đổi chính sách kinh tế và thực hiện chương trình cải cách ruộng đất. Ông Mugabe đã cấp đất nông nghiệp thuộc sở hữu của người da trắng cho người da đen bản địa Zimbabwe - những người ít học và không có kiến thức về nông nghiệp. Hậu quả là Zimbabwe đã chuyển từ một nước xuất khẩu nông nghiệp sang nước nhập khẩu, kéo theo 94% người dân thất nghiệp và đối mặt với tình trạng siêu lạm phát.
End of content
Không có tin nào tiếp theo