Tin tức - Sự kiện

“99% DN Việt Nam trong diện bị phá sản nếu chiểu theo dự thảo Luật Phá sản sửa đổi”

Đánh giá về dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) quy định DN không thanh toán được khoản nợ 200 triệu đồng sau 3 tháng thì bị coi là lâm vào tình trạng phá sản, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đánh giá: “Không thể đưa ra con số áp đặt như vậy, quy định như dự thảo thì có tới 99% DN ở Việt Nam trong diện phá sản”.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Phá sản được Quốc hội ban hành năm 2004 và có hiệu lực từ ngày 15/10/2004. Sau gần 9 năm thực hiện, do nhiều quy định của Luật hiện hành chưa rõ ràng, khó thực hiện nên số lượng các vụ phá sản do Tòa án thụ lý chưa nhiều. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đánh giá việc sửa đổi Luật phá sản là cần thiết.

Tuy nhiên, một trong những điểm quy định tại dự thảo khiến nhiều Chủ nhiệm ủy ban có ý kiến phản đối là “Doanh nghiệp, hợp tác xã (DN) không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Khi nhận thấy DN lâm vào tình trạng phá sản, chủ nợ, người lao động trong DN đều có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản”.

Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá, phá sản là một hiện tượng của kinh tế thị trường, nhưng định nghĩa thế này quá đơn giản.

“Một món nợ vài trăm triệu đồng chỉ 3 tháng mà quy vào phá sản là không phải, theo tôi nói chính xác phải là mất hoàn toàn khả năng thanh toán tất cả các khoản nợ ở cùng một thời điểm, và hơn nữa phải có tính toán tỷ lệ nhất định trên vốn chủ sở hữu, còn quy định như hiện nay là quá đơn giản… Thời gian quy định 3 tháng để thanh toán một khoản nợ nào đó là ngắn quá, cứ theo đúng theo định nghĩa này thì 99% DN của Việt Nam hiện nay nằm trong diện phá sản”.

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Ông Hiển nhận định, bất kỳ DN đã lâm vào tình trạng phá sản thì phải có cơ chế kiểm soát thật rõ ràng, không nên mù ờ như hiện nay vì sẽ dễ dẫn tới phát tán tài sản; các DN nhà nước cũng phải bình đẳng như các thành phần khác, chứ không thể mở một thủ tục phá sản riêng.

Trước đó, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đặt thẳng câu hỏi: Căn cứ nào để chúng ta đưa ra con số 200 triệu đồng? Thời gian 3 tháng không có khả năng thanh toán thì coi là ở tình trạng phá sản, căn cứ vào đâu? Các nước quy định thế nào?

“Chúng ta đã biết 54.000 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể thì chỉ có 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, Tòa án đã ra 236 quyết định mở thủ tục phá sản và ra 83 quyết định tuyên bố phá sản. Phải đặt câu hỏi: Nếu Luật phá sản vận hành bình thường không có vướng mắc thì tại sao có rất ít DN tuyên bố phá sản như vậy, hay là luật có gì không bình thường? Chúng ta cũng cần phải làm rõ, dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì cái nào tốt hơn? Nếu Luật vận hành bình thường thì giả quyết đc gì? Hay có gì không bình thường? Tôi quan tâm là mấu chốt trong vấn đề sửa đổi này là gì, sửa xong thì sẽ thế nào?”, bà Mai nói.

Là một trong những người phản đối quy định số nợ 200 triệu trong 3 tháng chưa thanh toán được thì bị đưa vào diện phá sản, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói thẳng “đó là chuyện nực cười”.

Ông Hiện phát biểu: “Có DN vốn hoạt động chỉ vài chục triệu, có DN vốn vài trăm triệu, có DN vốn hàng trăm tỷ, vậy mà bây giờ quy định chung là nợ 200 triệu thời hạn 3 tháng là đưa vào diện phá sản thì thật nực cười. Khoản nợ 200 triệu với những DN có vốn kinh doanh chỉ 500 triệu thì đúng là số tiền đáng kể, nhưng nếu so với DN có vốn kinh doanh hàng nghìn tỷ thì không hợp lý.

Ngay cả quy định thời gian nợ quá 3 tháng bị đưa vào diện có nguy cơ phá sản cũng phải xem lại, vì khoảng thời gian ấy cũng không phải là dài để giải quyết nợ. Hơn nữa, không thể căn cứ vào một con số nợ cụ thể để quy DN nào đó vào diện phá sản mà quan trọng là loại hình DN và vốn kinh doanh của DN ấy”.

Liên quan tới vấn đề thụ lý giải quyết các vụ việc có thêm chức danh “quản tài viên”, ông Nguyễn Văn Hiện đánh giá: “Đã có quản tài viên thì phải có cơ quan quản tài, thế là mỗi bộ, ngành, rồi cục, viện lại xin thêm người thì bộ máy sẽ phình lớn, như vậy rất nguy hiểm, trong khi người làm việc thực sự có trách nhiệm, hiệu quả trong bộ máy công chức, viên chức của ta hiện nay thì rất ít.

Hơn nữa, cũng phải xem xét lại vai trò của quản tài viên, vì quan hệ phá sản là giữa các bên với nhau, tự nhiên có một ông kiểm sát ngồi giữa nói thêm vào là không hợp lý. Liên quan tới vấn đề hội nhập, các DN nước ngoài đầu tư vào Viêt Nam rất nhiều. Ta cứ nói là đưa vào để kiểm soát cho tốt lên, thế tôi xin hỏi các nước thế giới họ không biết cái đó à? Công bố luật phá sản cứ thế này thì chắc chắn là sẽ có một số tổ chức thương mại ở các nước đầu tư vào nước ta họ sẽ có ý kiến ngay”.

Cùng chung nhận định này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc – ông KSor Phước thì đề nghị: “Cần có các cấp cảnh báo khác nhau, để tạo điều kiện giúp DN khắc phục khó khăn, không nên đưa ra con số cụ thể là 200 triệu để đánh đồng tất cả các DN, như vậy là không hợp lý, luật sẽ không đi vào thực tế”.

 

Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo