"An toàn thực phẩm khiến tôi trăn trở nhất"
Năm 2014 là năm ghi dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp trong thực hiện Đề án tái cơ cấu của ngành. Kết quả phát triển toàn ngành nông nghiệp đã thu được nhiều thành tựu, lấy lại được đà tăng trưởng với mức tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức không hề nhỏ của quá trình hội nhập.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhằm nhìn nhận, đánh giá ngành nông nghiệp trong một năm qua cũng như những định hướng phát triển trong năm 2015.
- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm qua?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Năm 2014, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai kế hoạch trong điều kiện tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thời tiết, thị trường… có nhiều biến động.
Song, chất lượng tăng trưởng của ngành đã được cải thiện đáng kể, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8% năm 2014. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp năm 2014 ước đạt 3,31%; tăng 0,67% so với năm 2013.
Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm đã đạt được mức tăng kỷ lục ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2013.
Nhìn chung, năm qua ngành nông nghiệp nước ta được đánh giá là một năm tương đối được mùa, được giá. Xuất khẩu tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi duy trì giá trong nước có lợi cho nông dân. Thị trường trong nước đối với nhiều loại sản phẩm ít hoặc không xuất khẩu cũng được cải thiện, nhất là đối với các sản phẩm chăn nuôi.
- Vậy đâu là vấn đề mà Bộ trưởng trăn trở nhất với nông nghiệp nước ta hiện nay và Bộ có định hướng giải quyết vấn đề đó như thế nào trong năm 2015?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Điều mà tôi trăn trở nhất hiện nay là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp. Vì thế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định năm 2015 là năm an toàn thực phẩm và sẽ áp dụng những biện pháp quyết liệt để phấn đấu không còn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trong thủy sản, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản.
Mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực và tình hình an toàn thực phẩm hiện không xấu đi song vẫn chưa được cải thiện như mong đợi của nhân dân. Do đó, trong năm 2015, Bộ sẽ điều chỉnh cách làm và thực hiện quyết liệt hơn để tạo ra sự chuyển biến rõ nét.
Kết quả xét nghiệm cho thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vẫn còn khoảng 5-6%.Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đồng thời tiếp tục gia tăng kiểm soát đảm bảo chất lượng nông sản.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ có những hành động quyết liệt trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất đảm bảo theo các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản vượt mức cho phép về con số 0, đặc biệt là trong rau, trái cây, chè.
Còn đối với các sản phẩm thủy sản và chăn nuôi, ngoài các biện pháp xử phạt hành chính, Bộ có kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp và các lò giết mổ gia súc, gia cầm. Tùy theo mức độ vi phạm an toàn thực phẩm có thể cảnh cáo hoặc đình chỉ các cơ sở sản xuất đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong năm 2015, Bộ sẽ làm mạnh những việc này để siết chặt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được xem là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho mặt hàng nông sản.Bộ trưởng nhận định thế nào về việc này và xin Bộ trưởng cho biết các biện pháp triển khai trong thời gian tới?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chính là con đường phát triển nông nghiệp bền vững. Song đây vẫn còn là khâu yếu của ngành nông nghiệp, chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho việc nghiên cứu, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao.
"Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là then chốt, doanh nghiệp là đầu tàu," việc triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo tôi không thể thiếu các doanh nghiệp. Do đó, kế hoạch 2015, Bộ sẽ tập trung vào các chính sách khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là các doanh nghiệp có năng lực tiếp cận công nghệ đỉnh cao, doanh nghiệp chọn tạo, kinh doanh giống chất lượng cao.
Mặt khác, Bộ sẽ chỉ đạo tiến hành chọn tạo và ứng dụng các giống năng suất, chất lượng, có giá trị thương mại cao cho các đối tượng cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu (lúa, ngô, đậu tương, điều, chè, cà phê…) và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống vật nuôi chủ lực (lợn, gà lông màu, vịt chuyên thịt, chuyên trứng), một số giống thuỷ sản chủ lực (tôm sú, cá tra, cá rô phi…).
Đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến và kỹ thuật chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thiết bị phục vụ sơ chế và bảo quản các sản phẩm chủ lực, giảm tổn thất sau thu hoạch.
- Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành năm 2015, cùng với nhiều hiệp định thương mại được ký kết sẽ có hiệu lực, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội cũng như thách thức đối với nền nông nghiệp trong quá trình hội nhập?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ vừa là cơ hội cho nông sản nước ta vào thị trường các nước thuận lợi hơn nhưng cũng là khó khăn, đặc biệt đối với các sản phẩm yếu thế như chăn nuôi, mía đường.
Nước ta đã có nền nông nghiệp hàng hóa hội nhập quốc tế sâu rộng thể hiện thông qua kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên trong những năm qua. Khi những hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho những mặt hàng trọng điểm hơn nữa.
Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các bộ ngành đàm phán thị trường theo hướng có lợi cho ngành nói riêng và kinh tế nói chung. Đối với các mặt hàng nông sản thế mạnh xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônphối hợp với Bộ Công Thương tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho lúa gạo, tôm, càphê, cá tra…
Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tập trung quyết liệt tháo gỡ rào cản về thị trường; tích cực khai thác cơ hội từ các Hiệp định tự do hóa thương mại mà Việt Nam đã tham gia, nhất là khu vực mậu dịch tự do ASEAN đồng thời đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thị trường cả trong và ngoài nước.
Cùng với đó, tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến tất cả các ngành, từng phân ngành; kiểm soát dung lượng thị trường, quản lý điều tiết sản xuất kinh doanh theo hướng có lợi nhất cho bà con nông dân.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc