“Báo chí toàn khai thác tiểu tiết”
"Phá nhà vì đối tượng chống đối ẩn náu"
Khi phóng viên hỏi liệu UBND huyện có cưỡng chế nhầm vị trí đất và tháo dỡ nhầm ngôi nhà của ông Vươn? ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng nói: "Hai căn nhà trên phần đất được cho là cưỡng chế nhầm sở dĩ đã bị tháo dỡ (thực tế đã bị đánh sập hoàn toàn - PV) là do khi cưỡng chế các đối tượng gây án đã ẩn nấp trong đó".
Tuy nhiên, sáng 17/1 tại Hà Nội, trong cuộc giao ban báo chí thường kỳ ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, lại nói "Các đồng chí ở huyện báo cáo do người dân bất bình với hành vi của các đối tượng phạm pháp nên vào phá ngôi nhà này chứ không phải chính quyền.
Nhiều người dân địa phương rất bức xúc trước câu trả lời trên và khẳng định đã bị "vu khống". Những người dân này khẳng định, việc phá dỡ ngôi nhà trên được thực hiện một cách rầm rộ, với sự có mặt của nhiều công an, cán bộ địa phương.
“Đoàn cưỡng chế không có mệnh lệnh nào và không có một ai tham gia việc phá nhà dân”
Sáng 2/2, khi trả lời trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh quả quyết: "Tôi khẳng định rằng đoàn cưỡng chế không có một lệnh nào và không có một ai tham gia việc phá nhà dân. Còn việc nhà nằm ngoài khu vực cưỡng chế, đồng thời nó là khu vực gây án nên việc phá hay thế nào thì đã có cơ quan chức năng làm rõ".
Trên Dân Việt ngày 8/10, ông Vũ Văn Kết, 40 tuổi, thôn Toàn Thắng, xã Tiên Hưng nói: “Một người dân không thể tự đánh cẩu đến phá nhà, một khu vực cưỡng chế trong khi đang được sự quản lý, có mặt của chính quyền. Về máy cẩu, tôi không có máy cẩu, còn máy cẩu của ai và ai là người thuê thì chủ máy, người lái cẩu và người làm cưỡng chế sẽ rõ hơn ai hết và báo cáo pháp luật. Còn những lãnh đạo, chỉ đạo trong ban cưỡng chế ngày 5/1 của đầm ông Vươn phải có trách nhiệm trả lời trước công luận”
"Nhà sập thì phải hỏi huyện"
Trả lời báo chí, ông ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng khẳng định: Nhà của ông Quý nằm ngoài diện tích cưỡng chế. Việc nhà ông Quý bị giật sập và huy động máy xúc để cưỡng chế thì “phải hỏi huyện, xã không nắm được”.
Xã chỉ có trách nhiệm tiếp nhận diện tích cưỡng chế, còn việc tiến hành cưỡng chế như thế nào là do huyện chứ chúng tôi không liên quan”, vị chủ tịch này cho biết.
Trong khi đó, theo tường trình của Đặng Văn Tài, người lái máy xúc phá nhà trên đất ông Vươn: "Tôi làm theo sự chỉ đạo của ban cưỡng chế mà trực tiếp là ông Hoan, ông Liêm. Đến 11 giờ thì xong, tôi đã đưa đề nghị thanh toán tiền công cho ông Hoan với số tiền 1,5 triệu đồng".
Hoa lợi trong đầm “không có cái gì”
Chiều ngày 31/1, trên báo Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng thông tin: “Ngay trong ngày, sau buổi cưỡng chế, chúng tôi quản lý đầm rồi thì đoàn cưỡng chế đã tháo cống thông thủy”.
Và theo ông Khánh, khi đó hoa lợi trong đầm “không có cái gì”. Ông Khánh cũng cho biết thêm, việc làm trên dựa theo nguyên tắc, trước khi thu hồi có thông báo cho chủ đầm thu hoạch hoa lợi.
Trả lời báo Thanh Niên, bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cho biết, toàn bộ 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con, 7.000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con, 3.000 con cua giống đã bị đánh bắt hết. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỉ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.
"Thu hồi đất nhà ông Vươn là đúng"
Ngày 8/1, trên Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng phát biểu: “Chúng tôi khẳng định rằng việc thu hồi đất của huyện là hoàn toàn đúng đắn và đúng thẩm quyền pháp luật”
Trên Người Lao Động, ngày 9/1, ông Lương Văn Trong, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng: "Việc thu hồi đất đối với hai hội viên là anh Vươn, ông Luân là trái pháp luật. Đại diện cho chính quyền huyện Tiên Lãng đã ký thỏa thuận với người dân để giải quyết vụ án hành chính có sự chứng kiến của TAND TP nay lại lật lọng với thỏa thuận đó".
Cũng trên Người Lao Động ngày 9/1, ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang nói: “Tôi thấy huyện ra quyết định thu hồi đất không thỏa đáng. Cả cuộc đời cậu ấy cùng mấy anh chị em bỏ ra bám biển sao không giao tiếp cho cậu ấy để người ta làm ăn trả nợ trả nần. Tòa đã hòa giải rồi, hứa hẹn cho thuê tiếp rồi mà lại ra quyết định cưỡng chế thu hồi là không cần thiết. Cần giải quyết bằng đối thoại chứ sao lại đối đầu như thế. Bây giờ cho máy móc phá tan nhà hai tầng của anh em cậu ấy khiến cho dân thắc mắc, xì xào khắp nơi.
“Anh Vươn không phải người tốt, toàn ăn không"
Ngày 11/1, trên Vnexpress ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng nói: "Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội".
Trong khi, năm 2010 trên nhiều trang báo xuất hiện bài viết ca ngợi công dân Đoàn Văn Vươn là người hùng lấp biển. Trên Đời sống và Pháp luật, tháng 7/2010 viết: "Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một điều gần như không tưởng: chinh phục "thần" biển. Chinh phục cả nỗi khát khao không chịu đầu hàng số phận. Thế là từ cuối những năm 80, những viên đá đầu tiên được chàng trai Đoàn Văn Vươn mang đến trong cuộc trường chinh lấn biển, tạo hành lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản"
Trên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên bí thư đảng ủy xã Vinh Quang nói: “Cậu ấy (ông Đoàn Văn Vươn – PV) đã có công với bà con xóm làng chúng tôi, nếu không có cậu ấy làm bờ kè tạo tấm lá chắn thì không biết bao giờ người dân Vinh Quang mới hết cảnh vỡ đê, chạy bão”.
"Quan chức về hưu nhầm lẫn"
Trên Pháp luật TP HCM ngày 4/1, ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng: “Ở đây có một sự nhầm lẫn. Thậm chí cả một số quan chức ở trung ương về hưu vẫn cứ nói đây là đất sản xuất nông nghiệp nên phải giao cho người ta 20 năm”.
“Không thể nói ông Vươn có công lớn bảo vệ đê điều và đầu tư trồng cây nắn dòng chảy nên không bị vỡ đê. Người ta nói ông ấy đóng góp nhiều là hoàn toàn không đúng. Huyện giao từ năm 1993, 7 năm đầu ông ấy không phải đóng bất cứ một thứ gì. Còn từ năm 2000 đến giờ đã 12 năm, tất cả ông nộp có 48 triệu đồng, chủ yếu là môn bài.
Tuy nhiên, trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả trên Giáo dục Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định: “Thứ nhất, tất cả các phát biểu của ông đều đưa ra sau khi xem toàn bộ tài liệu về các quyết định, các văn bản Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ban hành do các nhà báo đưa cho. Thứ hai, tình hình sử dụng các loại đất, ông đều nắm được trong thời gian 5 năm được giao nhiệm vụ phụ trách về đất đai của cả nước.
“Báo chí toàn khai thác tiểu tiết”
Trên Người lao động 31/1, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng nói: “Từ khi sự việc bị những kẻ côn đồ sử dụng vũ lực thì chưa ai hỏi thăm những người bị thương trong vụ cưỡng chế mà chỉ đưa ra các “tiểu tiết” thể hiện huyện Tiên Lãng toàn cường hào, ác bá”.
Trong khi đó, trong buổi họp báo chiều 7/2, ông Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng thừa nhận, việc tiếp nhận thông tin từ báo chí còn rất chậm. Tuy nhiên, để có buổi họp báo ngày hôm nay là phải có đầy đủ việc nghiên cứu, thẩm tra xem xét để ra kết luận.
Ngày 5/2 Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng trả lời rõ ba việc: Thứ nhất: Việc giao đất, thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cá nhân nào? Thứ hai, việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, cách thức tiến hành cưỡng chế có đúng không, sai ở điểm nào? Nếu sai, ai chịu trách nhiệm?
Đất Việt Tổng Hợp
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025