Thị trường

“Bẫy thanh khoản” và áp lực cho vay

“Bẫy thanh khoản” là tình trạng các ngân hàng đã hạ lãi suất xuống mức thấp nhưng các doanh nghiệp vẫn không vay, còn người dân thì cứ giữ tiền mặt mà không gửi ngân hàng.

(laodong) Đây chính là tình trạng chung trên thị trường tín dụng hiện nay.

Chỉ cách đây ít lâu, khi được hỏi vì sao không vay vốn làm ăn, đa phần các doanh nghiệp (DN) đều có chung câu trả lời đầy ngao ngán: “lãi suất cao thế kia, ai mà làm ăn cho nổi”. Nhưng nay, khi lãi suất đã về xấp xỉ mức lạm phát (mức mất giá đồng tiền), các DN vẫn chưa động tĩnh nhiều trong chuyện vay vốn mở mang sản xuất kinh doanh.

Vấn đề dường như đã chuyển sang các DN. Khi lãi suất cao, nhiều người cho rằng vì ngân hàng để lãi suất quá cao nên DN không chịu nổi, nhưng nay lãi suất đã hạ xuống, các DN không thể đổ lỗi cho ngân hàng được nữa. Họ nhận ra rằng vấn đề là ở chỗ hàng sản xuất ra bán không được, tỷ lệ tồn kho ở mức đáng lo ngại. Tổng cầu sụt giảm đáng kể trong suốt thời kỳ khó khăn kinh tế vừa qua. Nền kinh tế chưa nhìn thấy lối ra trong tình trạng suy trầm hiện nay.

Các ngân hàng đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: không cho vay thì lỗ, cho vay thì sợ không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Áp lực cho vay đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng và tình hình có vẻ như càng ngày càng gay cấn.

Làm sao giải quyết vấn đề này ? Các ngân hàng không thể tự mình thoát khỏi “bẫy thanh khoản”. Nó là bài toán tổng thể của nền kinh tế quốc dân. Để thoát ra khỏi một cuộc suy trầm kinh tế, lời giải của John Keynes gồm bốn yếu tố: gia tăng đầu tư công, điều tiết vĩ mô linh hoạt, tạo thêm công ăn việc làm và kích thích tổng cầu. Chính phủ đang đi đúng theo hướng này. Tuy nhiên các kết quả khả quan không thể đến ngay được mà cần có một độ trễ nhất định.

Trong lúc đó, các ngân hàng cũng không thể ngồi yên chờ cho tình hình khá lên. Họ phải nỗ lực đến với DN, tìm ra người cần vốn, đề ra các giải pháp cho vay hợp tình, hợp lý, phù hợp với thực trạng kinh tế hiện nay. Chẳng hạn mở ra cơ chế cho vay mua nhà trả góp với lãi suất ban đầu thấp nhưng tăng dần lên theo nhịp tăng dự kiến của nền kinh tế quốc dân. Thậm chí các ngân hàng phải mạnh dạn từ bỏ tấm lá chắn “lãi suất thực dương” của mình để chia sẻ với DN. Tuy lỗ ban đầu, nhưng khi các DN vực dậy, họ sẽ tạo lãi cho các ngân hàng trong tương lai.

Nhiều ngân hàng đang ra sức đi theo hướng này. Họ cố gắng nhiều hơn trong việc đến với các DN và người vay tiền, tạo ra các sản phẩm tín dụng phù hợp với khả năng vay và trả của khách hàng, tạo thêm các kênh huy động vốn với lãi suất thấp hiện hữu để “trung hòa” bớt các khoản huy động đầu vào dài hạn lãi suất cao trước đây nhằm giảm lãi suất đầu ra. Bên cạnh đó, họ cũng phải tái cơ cấu hoạt động, tinh giảm biên chế, tự điều chỉnh để thích nghi với tình hình hiện nay.

Thoát khỏi “bẫy thanh khoản” là bài toán chung của mọi chủ thể kinh tế. Nó đòi hỏi một sự chung tay, chia sẻ trách nhiệm lỗ lãi, và quan trọng nhất là cần một niềm tin tập thể để hướng tới tương lai.

 

 

PV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo